Làm thế nào để không phải làm khách trong chính ngôi nhà của mình?

ANTD.VN - Đó là câu hỏi đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt ra khi đề cập tới tình trạng ồ ạt các thương vụ mua bán, sáp nhập, thâu tóm đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.

Sáng 9-6, tham gia thảo luận về báo cáo bổ sung về phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho biết, trong khi Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trên thương trường vẫn diễn ra một cách ồ ạt các thương vụ mua bán, sáp nhập, thâu tóm đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. 

"Hiện tượng này đang gây ra nhiều nguy cơ cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cả sản phẩm của họ vơi dần sau khi siêu thị Việt rơi vào tay chủ ngoại. Các startup được kỳ vọng sẽ khai sinh từ nguồn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có nguy cơ chết từ trong trứng nước", đại biểu Phạm Trọng Nhân lo lắng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) phát biểu

Theo đại biểu đoàn Bình Dương, thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn trở lại và trở thành thị trường béo bở cho các “ông trùm” bán lẻ thế giới dòm ngó.

Tháng 4-2014, khi Việt Nam chưa hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ thì đã có 3 tập đoàn ngoại đặt chân vào. Năm 2015 và 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến nhiều vụ thâu tóm, điển hình là Central Group (Thái Lan) thôn tính thành công chuỗi siêu thị BigC với giá trị lên đến 1 tỷ euro.

"Chỉ trong 3 năm, khu vực FBA đã chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 17% qua trung tâm thương mại, siêu thị, 50% thị trường bán lẻ trực tuyến và đến nay thị phần và doanh số khu vực này vẫn không ngừng tăng lên. Đây là con số rất đáng để chúng ta suy nghĩ", đại biểu Nhân nói.

Central Group thôn tính thành công chuỗi siêu thị BigC với giá trị lên đến 1 tỷ euro.

Theo đại biểu, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đẩy mạnh khai thác khâu phân phối, bán lẻ mà còn tập trung vào khâu sản xuất. Thế mạnh của họ không chỉ về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, trình độ quản trị hiện đại mà còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ của họ trong các chương trình phát triển hệ thống từ sản xuất tới phân phối, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước vẫn đang loay hoay tìm hướng đi. Vì vậy, việc để mất thị trường này vào tay doanh nghiệp nước ngoài là nguy cơ hiện hữu. 

"Hàng Việt Nam từng bước bị từ chối và vô hiệu bằng hàng rào kỹ thuật, tăng chiết khấu, chiếm dụng vốn nhà cung cấp, o ép phí mở hàng, phí hỗ trợ… Sự kiện 22 cửa hàng Thế giới di động bị hất chân khỏi hệ thống BigC là một điển hình và chỉ là khởi đầu cho lời cảnh báo. Những hiện tượng trên chắc chắn không dừng lại ở đó, một thị trường hơn 90 triệu dân với phần lớn dân số trẻ, nền kinh tế đang tiếp tục phát triển, đời sống, thu nhập người dân không ngừng cải thiện nhưng chúng ta phải ngậm ngùi mua hàng ngoại, doanh nghiệp ngoại thâu tóm doanh nghiệp Việt. Việc này chắc chắn tạo hệ lụy cho các ngành sản xuất nội địa và rủi ro về giá cho người tiêu dùng", đại biểu Phạm Trọng Nhân cảnh báo. 

Đồng tình với giải pháp đưa ra trong báo cáo của Chính phủ liên quan đến thị trường trong nước, đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị nhanh chóng có những kế hoạch cụ thể hơn.

Trước hết là tăng cường giám sát các hoạt động dưới góc độ chính sách để đảm bảo thực hiện tốt các quy định pháp luật có liên quan trên thị trường bán lẻ. Nhanh chóng thông qua và đưa Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thực tiễn và có các giải pháp kiểm soát tốt thị trường để doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong việc cạnh tranh bán lẻ với doanh nghiệp nước ngoài; ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường sản xuất và kinh doanh, hoặc chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trong mua bán, sáp nhập hiện nay.

Bên cạnh việc đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh thì sự liên doanh, liên kết để tạo sức mạnh nội lực chống chọi với người khổng lồ là rất cần thiết trong cuộc chiến giành lại thị trường nội địa. 

“Làm thế nào để không biến chúng ta từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình đây?”, đại biểu Nhân đặt câu hỏi.