Làm mất vốn Nhà nước gần 280 tỷ đồng, Vinalines đổ thừa... thiếu kinh nghiệm

ANTD.VN - Mới đây, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã xin dừng 3 dự án đóng mới tàu biển. Việc này đã làm mất vốn Nhà nước gần 280 tỷ đồng nhưng lãnh đạo Vinalines cho rằng, đây là do dự báo thị trường kém và xem như bài học kinh nghiệm.

Dừng 3 dự án tàu biển Vinalines làm mất vốn Nhà nước gần 280 tỷ đồng

Nếu tiếp tục triển khai, Vinalines sẽ lỗ

Báo cáo của Vinalines về việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đóng tàu 22.500 DTW (BV10 và BV11) và tàu container 1.800 TEU (HV03) cho thấy,  giai đoạn 2008-2010, Vinalines đã xây dựng dự án đóng mới tàu chở hàng khô BV10, BV11 và tàu chở container HV03. 

Tuy nhiên, thị trường hàng hóa và vận tải biển sau năm 2011 diễn ra không như kỳ vọng. Tốc độ tăng trưởng của nhu cầu vận chuyển hàng hóa chỉ đạt ở mức khiêm tốn, nhu cầu vận tải biển trên phạm vi toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.

Sự suy thoái sâu và kéo dài của thị trường vận tải biển vào thời điểm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh của đội tàu Vinalines, trong đó hàng loạt tàu đóng mới được khai thác hiệu quả trước đây cũng bị thua lỗ. 

 Trên cơ sở đó, 3 dự án đóng tàu HV03, BV10, BV11 sau khi rà soát, tính toán lại với nhiều phương án khác nhau đều không hiệu quả và không có khả năng thu hồi vốn đầu tư. Do vậy, Vinalines đã báo cáo và xin dừng dự án và thanh lý tài sản.

Theo Vinalines, việc dừng dự án và thanh lý tài sản sẽ làm mất vốn Nhà nước. Cụ thể, tàu BV10 mất vốn khoảng 103 tỷ đồng; tàu BV11 mất vốn khoảng 20,6 tỷ đồng; tàu HV03 mất vốn khoảng 155,1 tỷ đồng.

Tổng số vốn không có khả năng thu hồi của 3 tàu dở dang trên khi thanh lý khoảng 278,7 tỷ đồng. Nguyên nhân không thu hồi được vốn đầu tư là vì trong đó có 68,37 tỷ đồng lãi vay, các chi phí khác như tiền thiết kế, đăng kiểm, tiền sơn, tiền điện năng, vận chuyển, đặt cọc mua máy chính... là những chi phí không thu hồi được khi thanh lý tài sản, các vật tư như tôn tấm, thép hình, thép ống... khi thanh lý là phế liệu nên có giá rất thấp so với giá mua ban đầu.

Trao đổi về việc này, đại diện Vinalines cho biết, trong quá trình xây dựng và thẩm định dự án, công tác dự báo thị trường còn nhiều hạn chế và thiếu kinh nghiệm dẫn đến việc dự báo không chính xác và thiếu các kịch bản thị trường. Hơn nữa, Vinalines thà chấp nhận mất gần 280 tỷ đồng còn hơn tiếp tục triển khai dự án thì sẽ thua lỗ thêm. 

“Mua” kinh nghiệm giá 280 tỷ đồng

Theo Vinalines, tại thời điểm 2011, Vinalines đang ở giai đoạn tái cơ cấu nên gặp rất nhiều khó khăn về vốn, trong khi đó, thị trường vận tải biển bắt đầu suy thoái và không có dấu hiệu hồi phục, Tổng Công ty đã trình Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ xin giãn tiến độ đóng các tàu nói trên đến năm 2014 và đã được phê duyệt tại Quyết định 276/QĐ-TTg ngày 4-2-2011.

Điều khó hiểu là, vào tháng 9 và tháng 10-2011, Vinalines vẫn tiếp tục ký hàng loạt hợp đồng vay vốn tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đóng mới các tàu nói trên. Riêng ngày 19-10-2011, Vinalines đã ký 3 hợp đồng vay vốn tín dụng để đóng các tàu nói trên, hạn mức vay mỗi hợp đồng là 373,9 tỷ đồng.

Như vậy, dù Chính phủ cũng như Bộ GTVT đã cho phép Vinlines giãn dự án đóng mới các tàu trên vào tháng 2-2011 nhưng đến tháng 10-2011 Vinalines vẫn tiếp tục ký hợp đồng vay vốn tín dụng. Đại diện Vinalines cho rằng, có thể thời điểm đó một số hạng mục đã ký kết, triển khai nên cần phải có tiền để thanh toán.

Về trách nhiệm của mình, lãnh đạo Vinalines khẳng định, quá trình xây dựng các dự án đóng tàu của Tổng Công ty đã được thực hiện theo đúng quy trình và quy định của pháp luật, bám sát thị trường thực tế, kết quả kinh doanh của đội tàu hiện có và các dự báo thị trường của các công ty tư vấn uy tín trên thế giới. 

Quá trình thẩm định dự án được tiến hành bởi Hội đồng thẩm định hồ sơ, dự án mua, bán và đóng mới tàu biển của Tổng Công ty. Quá trình phê duyệt và triển khai dự án tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.

“Trong suốt quá trình thực hiện dự án, các tập thể và cá nhân liên quan đến xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án đều đã thực hiện nghiêm túc các quy định của luật pháp nói chung và quy chế của Tổng Công ty nói riêng, đến nay chưa có dấu hiệu sai phạm nào trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án dẫn đến mất vốn Nhà nước khi đầu tư, thanh lý các tàu dở dang trên”, đại diện Vinalines khẳng định.

Vinalines cũng cho rằng, qua việc phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan, Hội đồng thẩm định hồ sơ, dự án mua, bán và đóng mới tàu biển Tổng công ty hiện tại đã có thêm nhiều kinh nghiệm về thị trường để có các giải pháp phòng ngừa rủi ro!