Làm giàu từ rau an toàn

(ANTĐ) - Một trong những khó khăn lớn nhất khiến các mô hình rau an toàn (RAT) cứ  dần đi vào ngõ cụt là không có đầu ra cho sản phẩm. Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã triển khai không ít mô hình RAT, thậm chí một số mô hình trực tiếp được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội “đỡ đầu” nhưng tương lai cũng không có gì sáng hơn. Trong bối cảnh ấy, anh nông dân Nguyễn Bình Minh, thôn Phương Bảng, Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội vẫn mạnh dạn dấn thân với RAT và anh đã thành công.

Làm giàu từ rau an toàn

(ANTĐ) - Một trong những khó khăn lớn nhất khiến các mô hình rau an toàn (RAT) cứ  dần đi vào ngõ cụt là không có đầu ra cho sản phẩm. Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã triển khai không ít mô hình RAT, thậm chí một số mô hình trực tiếp được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội “đỡ đầu” nhưng tương lai cũng không có gì sáng hơn. Trong bối cảnh ấy, anh nông dân Nguyễn Bình Minh, thôn Phương Bảng, Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội vẫn mạnh dạn dấn thân với RAT và anh đã thành công.

Sau giờ làm rau, anh Minh lại đánh vật với đàn lợn
Sau giờ làm rau, anh Minh lại đánh vật với đàn lợn

Làm giàu từ cây rau

Khi các mô hình RAT trên địa bàn cứ dần đi vào ngõ cụt thì anh Minh lại từng bước phát triển rộng hơn nữa mô hình rau của mình. Không ầm ĩ đến mức phải mở công ty hay cầu kỳ rau phải có mã tem, mã vạch mới bảo đảm là RAT, hơn 15 năm qua, anh phát triển rau củ, quả chỉ bằng uy tín của mình. Khách hàng chưa một lần nghi ngờ về chất lượng, nguồn gốc rau, củ cũng như giá cả mà anh bán hàng ngày.

Rất đơn giản với  mô hình RAT của mình anh đã lo được vấn đề đầu ra cho sản phẩm, sau đó sẽ đặt hàng các hộ trồng rau, củ cho mình. Trung bình mỗi ngày anh tiêu thụ khoảng 7 tạ rau, củ, vì vậy hiện tại có khoảng 15 hộ đang tham gia trồng RAT cung cấp cho anh. Ngày 2 chuyến rau ra chợ đầu mối Dịch Vọng.

Bên cạnh đó, anh còn nhận cung cấp rau cho các bếp ăn tập thể của trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Xí nghiệp Xây dựng 3 và Xí nghiệp cơm hộp đường tàu Thống Nhất. Vì tìm được đầu ra cho sản phẩm nên anh đã mạnh dạn đề nghị 15 hộ ở xã chỉ chuyên trồng RAT cho riêng mình.

Anh Minh tâm sự: “Muốn làm ăn phải giữ được uy tín cho chính mình, đã thỏa thuận các hộ trồng rau cung cấp cho mình thì dù đắt hay rẻ mình cũng phải bao tiêu hết sản phẩm. Khi rau củ được giá thì mình trả thêm cho bà con chút, ngược lại khi bán không được giá thì bà con tự động bớt cho mình vài giá. Làm ăn dựa trên sự bình đẳng, người nông dân đóng góp đất đai và công sản xuất, còn mình lo vấn đề tiêu thụ, có rủi ro thì các bên cùng chịu một ít”.

Với mô hình làm rau của anh Minh, anh sẽ là người trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng với người tiêu dùng, do đó chất lượng rau củ cũng được đảm bảo chặt chẽ hơn, các hộ trồng rau cung cấp cho anh do không phải lo về đầu ra nên cũng yên tâm sản xuất.

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực RAT thì mô hình của Minh trong thời điểm và điều kiện đất nông nghiệp còn manh mún như hiện nay là đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điểm xuất phát ban đầu của anh Minh là một người đi bán rau ở chợ đầu mối Dịch Vọng, Cầu Giấy, nhưng qua hơn 15 năm bán rau, bằng uy tín của mình, anh đã tự xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra. Sau khi đã có đầu ra, anh về làng và kêu gọi bà con trồng rau bán cho mình.

Về làm bạn với cây rau

Sau 6 năm phục vụ trong quân ngũ, anh Minh đã chuyển về công tác tại văn phòng Huyện ủy Hoài Đức. Công tác tại đây 12 năm, anh lại xin nghỉ để ở nhà làm bạn với cây rau. Nhìn vào ngôi nhà 4 tầng không khác ngôi biệt thự của gia đình anh mà không mấy ai tin nó được xây dựng nhờ cây rau, và cũng chỉ nhờ cây rau mà gia đình anh trở thành một trong những hộ có kinh tế khá giả nhất nhì xã Song Phương.

Năm đứa con của anh đều được ăn học đến nơi đến chốn, cô lớn đã học xong trường Dược, cô thứ 2 đã tốt nghiệp Công nghệ thông tin, cô thứ 3 vừa tốt nghiệp trường Quản trị kinh doanh, hiện cô thứ 4 đang học lớp 12 và cậu út đang học lớp 9 trường chuyên của huyện. Anh Minh tự hào: “Hai vợ chồng mải làm ăn kinh tế nhưng đổi lại, các cháu đều ngoan ngoãn, chịu khó học hành lại biết nghe lời”.

Công việc làm rau vất vả, bận rộn không kém “chăm con mọn”, mỗi năm anh phải đi giao hàng đến 362 ngày, nếu chẳng may ốm đau thì phải có người khác đi thay. Nhưng, không dừng lại ở đó, anh Minh còn chăn nuôi lợn thịt.

Trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có từ 25-30 con lợn, mỗi năm 3 lần xuất chuồng anh cũng có hơn 10 tấn lợn. Anh Minh cho biết: “Mình bỏ mối rau cho các bếp ăn tập thể rồi họ lại bán rẻ cơm, rau thừa cho mình về chăn nuôi, thế là vừa bán được rau lại vừa có thức ăn để nuôi lợn”.

Vậy là ngày ngày, sau khi ở chợ  về, anh Minh lại vật lộn với 30 con lợn không ngơi nghỉ tay chân. Vất vả là vậy, nhưng trên gương mặt anh lại chất chứa hạnh phúc bởi tất cả đều được làm từ đôi bàn tay và sức lao động của anh, từ cây rau, con lợn vốn gắn bó với  anh từ nhỏ.

Trước hiệu quả từ mô hình rau của anh, HTX nông nghiệp thôn Phương Bảng đã nhiều lần đề nghị anh ra làm chủ nhiệm HTX nhưng anh đều từ chối với lý do, công việc của mình rất bận không còn đủ thời gian để làm việc tại HTX.

Nhưng sự thực, theo anh Minh, HTX hoạt động còn chưa thật bài bản, nghiêm túc nên chất lượng rau quả  không thể kiểm soát hết được, nên nếu có vấn đề gì, khách hàng sẽ lập tức quay lưng với mình.

Hơn nữa, các điều khoản cam kết khi tham gia HTX cũng chưa chặt chẽ nên tỷ lệ rủi ro gặp phải rất cao, khi rau được giá thì bà con sẽ bán ra ngoài và ngược lại. Để bà con thực sự tin tưởng, yên tâm trồng rau cho mình, anh Minh đã cam kết với các hộ tham gia trồng rau, sẽ thu mua toàn bộ rau, củ của bà con trồng được.

Vì vậy, 15 hộ gia đình tham gia trồng RAT cung cấp cho anh đều yên tâm, không lo về giá cả hay thị trường. Anh Minh thổ lộ bí quyết: “Muốn làm được rau an toàn phải có lòng nhiệt tình, chịu khó và giữ uy tín để giữ vững đầu ra, đầu vào cho sản phẩm”.

Ngân Tuyền