- Phát hiện 1 mẫu vải nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng
- Tiêu hủy 3 tấn thuốc bảo vệ thực vật cực độc nhập lậu từ Trung Quốc
- Việt Nam tiêu thụ 100.000 tấn thuốc sâu một năm
Sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng cách để tăng hiệu quả trồng trọt
Mua đậu cove sạch, được đậu có thuốc BVTV cực độc
Chia sẻ tại Hội nghị phân bón và thuốc BVTV diễn ra ngày 27-7, bà Bùi Hải Linh- đại diện Vibiz nêu ra vụ việc vừa mới xảy ra là người dân tại một khu vực trồng rau sạch đã trộn 2 loại thuốc BVTV phun lên đậu cô ve. Ngay sau đó, có khách tới ruộng hỏi mua, người này đã thu hoạch, bán cho khách và giải thích thuốc đó chỉ có tác dụng đuổi sâu, chứ không diệt sâu nên không gây độc hại.
Tuy nhiên, do không yên tâm, khách hàng sau khi mua "đậu sạch" về đã mang cả đậu và tên thuốc đi kiểm tra, thì được biết đây là loại thuốc cực độc, gây hại cho người sử dụng.
Đáng chú ý là giá rau sạch đắt hơn nhiều lần so với các loại rau khác nhưng theo thống kê mới, chi phí phân bón và thuốc BVTV đang chiếm hơn nửa giá thành sản phẩm trồng trọt.
TS Nguyễn Trí Ngọc cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiệu quả sử dụng phân bón chưa cao. Hiệu suất sử dụng chỉ đạt trung bình 45 – 50% với phân đạm, 25 – 35% với lân và khoảng 60% với kali.
Trên phạm vi toàn cầu, trung bình hiệu suất sử dụng đạm chỉ đạt 40%. Như vậy, nếu tính chung hiệu suất sử dụng phân hóa học là 50% thì chúng ta cũng đã lãng phí tương đương 2 tỷ USD năm.
"Chưa kể, lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây trồng còn làm tăng nguy cơ dịch bệnh và hậu quả là chúng ta phải sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn và năm sau lại cao hơn năm trước. Ngoài ra, lãng phí phân bón còn làm giảm chất lượng nông sản, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng khí thải nhà kính, đặc biệt từ phân đạm, phân hữu cơ và đất rơm rạ.
Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, Đức, Nga, Pháp cho thấy tại các nước mà nông nghiệp sử dụng phân bón hóa học quá nhiều, không được kiểm soát gây ảnh hưởng không tốt tới phẩm chất nông sản, tới môi trường đất, không khí và nước (hàm lượng nitrat tăng lên trong đất, không khí và nước (hàm lượng nitrat tăng lên trong đất 1,6 – 1,9 lần; trong nước 10 lần, độ pH trong đất thay đổi; các vi sinh vật trong đất biến đồi…)"- ông Nguyễn Trí Ngọc nói.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại Việt Nam, nhiều năm trở lại đây người sản xuất đã chạy theo lợi nhuận nên sử dụng quá nhiều phân bón hóa học mà coi nhẹ việc dùng phân hữu cơ và vấn đề sử dụng phân bón hợp lý, đồng bộ cũng bị buông lỏng trong canh tác.
Nhập khẩu thuốc BVTV ngày càng tăng
Do nhu cầu sử dụng thuốc BTVT ngày càng tăng nên kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh.
Năm 2017, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 979 triệu USD thuốc BVTV, tăng hơn 200 triệu USD so với năm 2016. Riêng quý I-2018, kim ngạch nhập khẩu thuốc BVTV lên tới 194 triệu USD.
Ông Dương Việt Anh- Chuyên viên phòng Thanh tra, pháp chế (Cục BVTV- Bộ NN&PTNT) cho hay: "Việc lạm dụng thuốc BVTV đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp".
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến những năm gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra nhiều hơn. Nhiều người dân cũng mắc bệnh hiểm nghèo, khó chữa.
Theo ông Hồ Xuân Hùng- Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, 85% nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV được nhập từ Trung Quốc. Việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV tràn lan, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân đã khiến tình trạng "rau 2 luống, lợn 2 chuồng" tiếp diễn.
"Hàng giả, hàng thật không chỉ ở trên thị trường, mà diễn ra ngay ở khâu sản xuất. Có người lạm dụng phân bón, thuốc BVTV một cách vô thức, nhưng cũng có nhiều người sử dụng một cách chủ động, chỉ đem lại lợi nhuận cho bản thân. Đây là vấn đề bức xúc mà không chỉ các bộ, ngành, mà cả xã hội cần phải giải quyết để giữ gìn môi trường và sức khỏe"- ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.