Lãi suất sẽ giảm 0,5%

ANTD.VN - Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ là 21-22% thay vì 18% như kế hoạch đầu năm, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm.

Đây là yêu cầu “kép” mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm. Việc thực hiện mục tiêu này được cho là không quá khó khăn nhưng cần sự kiểm soát chặt chẽ để nguồn vốn đi đúng hướng. 

Lãi suất sẽ giảm 0,5% ảnh 1Lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm

“Nới” tăng trưởng tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 21-8-2017, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,06% so với tháng 12-2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 9,01%). Thời gian gần đây một số ngân hàng thương mại cũng đã “đụng trần” tín dụng nên phải hạn chế cho vay. Trong khi đó, thông thường mỗi tháng quý IV, tăng trưởng tín dụng đạt trung bình 2-4%, nếu giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% thì chắc chắn nhiều ngân hàng sẽ vượt trần.

Do đó, theo các chuyên gia, việc nâng trần tăng trưởng tín dụng lên mức 21-22% có thể coi là tín hiệu từ thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính. Chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, CEO trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, việc Chính phủ đưa ra đề xuất tăng trưởng tín dụng lên 21-22% là đã có sự tính toán, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% thì tăng trưởng tín dụng cũng phải tương ứng. 

Ngoài ra, theo quy luật thì những tháng cuối năm, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh rất lớn, đặc biệt khi nhu cầu nguồn vốn ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, tăng tín dụng lên 21-22% là mức cao so với tăng trưởng kinh tế hiện nay, vì vậy, cần có biện pháp kiểm soát chặt, đảm bảo nguồn vốn đi đúng hướng vào sản xuất, kinh doanh chứ không vào các hoạt động mang tính đầu cơ. 

Chuyên gia tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng là nền kinh tế có hấp thụ được tăng trưởng tín dụng này hay không. “Nếu tăng tín dụng đi cùng với hạ lãi suất thì dòng vốn sẽ vào được lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, góp phần tăng GDP. Nhưng nếu lãi suất vẫn cao, không tạo được tăng tổng cầu an toàn, dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo” - chuyên gia này nhận định. 

Có cơ sở để hạ lãi suất 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang để đưa vào sử dụng hiệu quả, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm.

Về lý thuyết, việc tăng trưởng tín dụng cao hơn đáng kể so với tăng trưởng huy động sẽ gây áp lực lên các ngân hàng trong việc giảm lãi suất. Vì vậy, việc Chính phủ vừa đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, vừa yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất được cho là nhiệm vụ “kép” mà các ngân hàng sẽ phải cân đối.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế trên thị trường hiện tại, chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng, yêu cầu “kép” của Chính phủ chưa gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại bởi trần lãi suất huy động vẫn được duy trì. Cụ thể trong tháng 7, NHNN quyết định giảm 0,25% lãi suất điều hành và không giảm trần lãi suất huy động được cho là một quyết định phù hợp. Điều này một mặt vẫn hỗ trợ nguồn cung cho các ngân hàng thương mại, mặt khác vẫn tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giữ được lãi suất huy động hợp lý, qua đó thu hút nguồn tiền từ dân cư, doanh nghiệp. 

Cùng với đó, các ngân hàng vẫn đang dư thừa tiền, minh chứng là lãi suất qua đêm tại các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp và lượng tiền giao dịch giữa các ngân hàng khá lớn. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng đồng thời hạ lãi suất của các ngân hàng.

Trước đó, hồi đầu tháng 7, khi NHNN giảm lãi suất điều hành, đồng thời giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên thì đã có hàng loạt ngân hàng thương mại vào cuộc giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% đối với các lĩnh vực ưu tiên. 

Với tình hình hiện nay, nhiều tín hiệu cho thấy, việc giảm lãi suất 0,5% những tháng cuối năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở. Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8 vừa công bố của Công ty nghiên cứu thị trường Market Intello cũng dự báo mặt bằng lãi suất cuối năm sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhẹ mà động lực chủ yếu là lạm phát giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm khiến NHNN quyết định giảm lãi suất chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng.