Lãi suất 0%, khó huy động vàng, USD trong dân

ANTD.VN - Trong khi Chính phủ đang phải đi vay nước ngoài phục vụ đầu tư phát triển trong nước thì hàng trăm tấn vàng lại vẫn nằm yên trong két sắt của người dân. 

Tâm lý mua vàng tích trữ rất khó thay đổi đối với người dân Việt Nam

Trong nhiều cuộc họp với ngành ngân hàng gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN nghiên cứu các phương án nhằm huy động nguồn vàng, ngoại tệ trong dân phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Huy động thông qua chứng chỉ vàng

Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng vẫn cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng với mức phí khoảng 300 - 2.000 đồng/chỉ/tháng. Dù không có lãi, ngược lại còn mất phí nhưng không ít người dân vẫn chấp nhận dịch vụ này để đảm bảo yếu tố an toàn. 

Tương tự, với USD, dù các ngân hàng huy động với lãi suất 0% nhưng rất nhiều người vẫn có nhu cầu gửi vì các mục đích khác nhau. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nếu thêm một mức lợi nhuận nhất định hoặc thậm chí chỉ cần một hình thức linh hoạt hơn thì có thể lượng vàng, USD trong dân sẽ được đưa vào nền kinh tế nhiều hơn.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng, TS Cấn Văn Lực đề xuất phương án phát hành chứng chỉ vàng. Với chứng chỉ này, người dân không được trả lãi suất nhưng được phép cầm cố, thế chấp để đi vay vốn. “Rõ ràng, phương án này sẽ năng động, linh hoạt hơn so với phương án để vàng trong nhà. Bằng cách này, chúng ta có thể “lôi” vàng từ trong dân trở lại hoạt động sản xuất mà nguồn lực này vẫn chỉ mang tính chất tài sản chứ không phải là phương tiện thanh toán. Một số quốc gia đã làm và thành công, như Ấn Độ chẳng hạn. Tuy nhiên cần có quá trình nghiên cứu, xem xét và cần thời điểm thích hợp”, TS Cấn Văn Lực cho biết. 

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng để huy động được nguồn lực này, NHNN phải đứng ra huy động chứ không phải một cơ quan nào khác. Vị chuyên gia này đề xuất 2 công cụ là chứng chỉ vàng do NHNN phát hành và thành lập sàn vàng quốc gia nhằm tạo một thị trường mua bán vàng minh bạch.

Trong đó, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chứng chỉ vàng có lãi suất và lại do NHNN phát hành sẽ khiến người dân tin tưởng hơn bất kỳ tổ chức tín dụng nào. NHNN đứng ra huy động vàng, phát hành chứng chỉ vàng nhưng có thể ủy thác cho một số ngân hàng thương mại huy động.

Số vàng này có thể cho Bộ Tài chính vay lại và việc sử dụng sẽ đặt dưới sự giám sát của các cơ quan Quốc hội. Điều này sẽ tạo được lòng tin của người dân.

Phải chấp nhận rủi ro

Trong khi đó, một số chuyên gia lại lo lắng huy động vàng sẽ phát sinh một số rủi ro cho các tổ chức tín dụng, thậm chí cho Nhà nước do vàng dù được coi là tài sản trú ẩn an toàn nhưng thực tế cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Thực tế cho thấy giá vàng lên xuống khá thất thường, phụ thuộc rất lớn vào giá vàng quốc tế. 

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng NHNN sẽ phải đối diện và chấp nhận những rủi ro do biến động thị trường nếu muốn hút được lượng vàng tích trữ vào nền kinh tế bởi vì, nếu cứ giữ tâm lý e ngại rủi ro thì sẽ không cách nào huy động được.

Riêng đối với USD, các chuyên gia cũng cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất là tăng lãi suất tiền gửi USD tại các tổ chức tín dụng. Hiện nay, chính sách lãi suất 0% đối với ngoại tệ này đã được duy trì hơn 1 năm và cần được thay đổi để người dân có động lực gửi USD. Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, 6 tháng đầu năm nay cho vay ngoại tệ tăng khoảng 5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng khoảng từ 1,5-2% cho thấy nhu cầu vay ngoại tệ là rất lớn. 

Trong khi đó, các ngân hàng phải đi vay nước ngoài với lãi suất khoảng 2,5%/năm. Vì vậy, nếu chỉ cần điều chỉnh nâng nhẹ lãi suất huy động USD lên 0,25% đã rẻ hơn rất nhiều so với đi vay từ các ngân hàng nước ngoài mà lại không phải chịu hàng loạt các điều kiện ràng buộc. Điều này sẽ góp phần giảm lãi suất đầu vào lẫn đầu ra đối với đồng USD, mà vẫn hạn chế được tình trạng đô la hóa.