Kỳ hóa đơn điện tháng 7-2020: Tiền điện có thể vẫn tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kỳ hóa đơn điện tháng 7-2020 sẽ thông báo số tiền khách hàng tiêu thụ điện trong tháng 6 (từ 21-5 đến 20-6), đây là thời kỳ nắng nóng gay gắt và kéo dài. Do đó, tiền điện của khách hàng có thể vẫn phải tăng cao.

Tỷ lệ tính sai tiền điện là rất nhỏ

Thông tin tại buổi tọa đàm: “Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao” diễn ra chiều nay (14-7), bà Tô Lan Phương- Trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN) cho biết, tiêu thụ điện của khách hàng liên tục tăng tăng trong các tháng 5,6 và 7-2020.

Trong đó, tháng 5, sản lượng tiêu thụ trung bình lên gần 63tr kWh/ngày, tăng 43% sản lượng trung bình của tháng 4. Tháng 6 tiêu thụ điện tiếp tục tăng cao so với tháng 5-2020. Đặc biệt, ngày 9-6, sản lượng tiêu thụ điện đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, là 89,2 triệu kWh.

Sản lượng bình quân tháng 6 là trên 78 triệu kWh, tăng gần 25% tháng 5 và 81,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước sang tháng 7, tiêu thụ điện chững lại so với tháng 6 nhưng vẫn ở mức cao. “Do đặc thù của kỳ ghi chỉ số hóa đơn nên kỳ hóa đơn tháng 6 nằm trọn trong kỳ cao điểm nắng nóng, từ 21-5 đến 20-6”- bà Tô Lan Phương nói.

Đáng chú ý, trong tháng 6 và 7, số lượng khách hàng dùng trên 1.000 kWh/tháng tăng hơn 1% so với trước đó. “Khách hàng sinh hoạt mà dùng trên 1.000 kWh/tháng là tiêu dùng rất nhiều”- đại diện EVN nói. Cũng trong tháng 7-2020, có 25,04% khách hàng tiêu dùng điện tăng trên 30% so với tháng 6-2020.

Ông Nguyễn Quốc Dũng- Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN hiện có 28,5 triệu khách hàng lắp đặt công tơ, trong đó có 13,5 triệu công tơ đo từ xa, 15,4 triệu công tơ điện tử và 0,65 triệu công tơ ghi chỉ số bằng chụp ảnh.

Thời gian qua, số khách hàng phải điều chỉnh hóa đơn do sai, hỏng hóa đơn là 6.271 khách hàng, chiếm 0,022% tổng số phản ánh của khác hàng tới EVN. Trong đó, có 519 hóa đơn phải hủy hóa đơn làm lại toàn bộ;  hủy bỏ lặp lại là 3.828 khách hàng; truy thu do sai gây giảm tiền điện cho khách hàng 1.249 trường hợp và 675 trường hợp ghi sai gây tăng cho khách hàng. “Đây là sai sót không mong muốn, có thể tăng lên hay giảm đi”- ông Nguyễn Quốc Dũng nói.

Cũng theo đại diện EVN, nếu công tơ trong nhà khách hàng, công nhân ghi số điện không gặp được chủ nhà để đo công tơ thì công nhân được lấy số tạm tính hóa đơn tháng trước, nhưng cách làm này chỉ được thực hiện tối đa 2 tháng, sau đó phải đề nghị khách hàng chuyển công tơ ra ngoài.

Liên quan đến những nghi vấn xung quanh vấn đề công tơ điện, ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay: “Công tơ phải quản lý theo Luật Đo lường, Luật Điện lực, được quản lý bằng phần mềm đến hạn kiểm định sẽ được đem đi kiểm định để đảm bảo công tơ hoạt động chính xác”.

Theo EVN, trong tháng 6-2020, số yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện là 63.441 khách hàng, chiếm 5% tổng số yêu cầu. Sau khi EVN kiểm tra thì cho thấy, số khách hàng phản ánh đúng là 419 trường hợp, chiếm 0,66% số yêu cầu liên quan đến tiền điện và chiếm 0,033% tổng số yêu cầu đến EVN.

Là một trong những thành viên đoàn kiểm tra giá điện vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Thực tế cho thấy, có trường hợp người tiêu dùng "sốc" thật do sai sót của ngành điện và họ phải sửa. Nhưng cũng có trường hợp khách hàng gia tăng các thiết bị sử dụng điện trong gia đình nên tiêu dùng tăng lên. Những trường hợp này, EVN đều giải thích đầy đủ cho khách hàng".