Kỳ 2: Nếu đổ vỡ, hậu quả sẽ khó lường

(ANTĐ) - Sự “bùng nổ” các ngân hàng TMCP chỉ trong một thời gian ngắn tới đây không chỉ “đe dọa” tốc độ phát triển của các ngân hàng “đàn anh, đàn chị” mà còn đặt ra không ít những thách thức cho cơ quan quản lý bởi đây là một lĩnh vực rất nhạy cảm của nền kinh tế.

Mốt của “đại gia”

Kỳ 2: Nếu đổ vỡ, hậu quả sẽ khó lường

(ANTĐ) - Sự “bùng nổ” các ngân hàng TMCP chỉ trong một thời gian ngắn tới đây không chỉ “đe dọa” tốc độ phát triển của các ngân hàng “đàn anh, đàn chị” mà còn đặt ra không ít những thách thức cho cơ quan quản lý bởi đây là một lĩnh vực rất nhạy cảm của nền kinh tế.

 >>> Kỳ I:  “Miếng bánh” béo bở

“Khủng hoảng” nhân lực

Theo Quy chế, một trong những điều kiện quan trọng để được thành lập, hoạt động, ngân hàng TMCP phải chuẩn bị khá đầy đủ (từ hồ sơ) về nhân lực các vị trí như Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát, thành viên HĐQT độc lập, các trưởng phòng, ban quan trọng. Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh tính toán, một ngân hàng TMCP quy mô vừa và nhỏ, cần tối thiểu 200 cán bộ, nhân viên có kinh nghiệm. Như vậy, chỉ với 9 ngân hàng đã được phê duyệt, cần phải có đến hàng nghìn  “cán bộ lành nghề”. Đó là chưa tính đến đội ngũ nhân sự quản lý. “Quả thực, tôi chưa hình dung, thị trường nhân sự ngành ngân hàng tới đây sẽ sôi động đến thế nào. Chắc chắn rằng, không ít những vị trí chủ chốt tại các ngân hàng thương mại hiện nay sẽ “ra đi”. Vị lãnh đạo này nhận định.

“Vốn có thể kêu gọi, cơ sở hạ tầng, công nghệ có thể xây dựng, thiết lập trong một thời gian ngắn, nhưng nhân lực thì không thể đào tạo trong chốc lát được”. Thành viên HĐQT của một ngân hàng TMCP mới được cấp phép bày tỏ mối lo lắng với phóng viên Báo ANTĐ. Đây là mối quan tâm không chỉ của các “gương mặt mới” mà là câu chuyện chung của ngành ngân hàng. Bởi trong khi các đơn vị mới thành lập lo tuyển nhân sự, “câu kéo”  người thì các ngân hàng đang hoạt động, thậm chí ngay cả trong cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này lại phải lo “giữ”. Lãnh đạo một vụ thuộc NHNN đã tâm sự với phóng viên ANTĐ, ông đã từng nhận được lời mời về làm nhân sự cấp cao của một ngân hàng TMCP với mức lương lên đến 3 tỷ đồng/năm nhưng đã từ chối.

Thị trường ngân hàng tới đây sẽ cạnh tranh rất quyết liệt
Thị trường ngân hàng tới đây sẽ cạnh tranh rất quyết liệt

Thực tế cho thấy, thời gian qua, chỉ riêng tại cơ quan NHNN đã có hàng trăm cán bộ, công chức có năng lực, trình độ đã lần lượt nộp đơn xin thôi việc, trong đó có không ít lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng. Bên cạnh những lý do thuộc về cá nhân thì cũng không ít người trong số đó đã bước vào “tấm thảm đỏ” hứa hẹn sự về chính sách đãi ngộ, về môi trường làm việc mà các ngân hàng thương mại đã, đang và sẽ thành lập mời gọi. Gần đây nhất, lãnh đạo một Vụ chức năng thuộc NHNN đã rời nhiệm sở mà theo thông tin phóng viên Báo ANTĐ nắm được thì tới đây ông sẽ tham gia quản lý, điều hành của một trong số những ngân hàng TMCP lớn nhất vừa được chấp thuận về nguyên tắc và sẽ sớm đi vào hoạt động tới đây.

Không khó để hình dung về tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực trong ngành ngân hàng thời gian tới bởi câu chuyện tương tự đã xảy ra với TTCK thời gian qua. Sự mọc lên ồ ạt các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán... đã khiến cho cuộc “săn đầu người” trong ngành chứng khoán khá căng thẳng và cũng dẫn tới không ít những lỗ hổng đáng ngại. Có công ty chứng khoán, để đủ vị trí Tổng Giám đốc theo quy định, đã “ấn bừa” một cái tên vào hồ sơ, khiến cho người này đã “ngã ngửa” khi biết mình được “bổ nhiệm”. Rồi liên tiếp các đại diện giao dịch của công ty chứng khoán bị xử phạt thời gian qua mà một trong những nguyên nhân là trình độ yếu kém... Và trường hợp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam Lê Anh Kiệt vừa bị bắt vì tội đe dọa giết người cũng là một bài học còn mới nguyên về công tác nhân sự cho các ngân hàng TMCP.

“Lập ngân hàng để cho vay nội bộ: hậu quả ghê gớm”

Việc “ra đời” ồ ạt các ngân hàng TMCP đặt ra không ít những vấn đề cho công tác quản lý, điều hành và sự vận hành của cả nền kinh tế. Ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng, NHNN - một trong những người đóng góp xây dựng Quy chế thành lập ngân hàng cho biết, 20 năm nay, các nước châu á hầu như không cấp phép thành lập thêm các ngân hàng. Bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ tại châu lục này cho thấy, các ngân hàng nội địa thường có khuynh hướng dùng ngân hàng cho mục đích riêng, dẫn đến việc lạm dụng tư cách cổ đông. Tại Việt Nam, các tập đoàn, Tổng công ty muốn thành lập ngân hàng với mong muốn có vai trò quan trọng trong các ngân hàng đó. “Tôi nghĩ ý đồ đó là bình thường và cũng dễ hiểu. Trong tình hình kinh tế bình thường, các công ty hoạt động đang tốt thì không sao nhưng khi gặp khó khăn sẽ nảy sinh không ít vấn đề” - ông Dũng nói.

“Phong trào” thành lập ngân hàng và kỳ vọng “siêu lợi nhuận” từ hoạt động kinh doanh tiền tệ cũng đã được ông Lê Đức Thúy - nguyên Thống đốc NHNN, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia lên tiếng “cảnh báo”: “Phải nói rằng, kinh doanh ngân hàng là cực khó. Tôi xin lưu ý rằng, rất nhiều trong số các ngân hàng TMCP của chúng ta vừa công bố những khoản lợi nhuận cực kỳ ấn tượng ấy có khi hàng chục năm vừa qua không chia được một đồng cổ tức nào cho cổ đông. Mà cái lợi nhuận họ có được ngày hôm nay, nếu đem chia ra toàn bộ thời gian thành lập ngân hàng thì theo tôi không đạt được bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tôi xin nhấn mạnh, không ai nói rằng, kinh doanh ngân hàng sẽ phơi phới tiền ngay. Rất có thể sẽ gặp phải những cú sốc, những biến động mà nhiều khi những người quản lý cũng như từng ngân hàng có giỏi đến mấy cũng không làm thế nào để khắc phục được. Cũng phải đóng đinh vào đầu những người thành lập ngân hàng, không bao giờ lại có chuyện cho thành lập để huy động vốn về cho chính công ty anh mà đó phải là hoạt động kinh doanh độc lập. Trước đây đã có những ngân hàng lập ra (vì không vay được vốn ngân hàng) để đầu tư cho chính doanh nghiệp của mình và gây nên hậu quả ghê gớm, như Ngân  hàng Châu á Thái Bình Dương; Ngân hàng Việt Hoa...”. 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, nhu cầu thành lập ngân hàng TMCP là có thật và phải tuân thủ các nguyên tắc nhằm đảm bảo tính khách quan, tránh tập trung rủi ro cao... Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, cần phải phân định rõ hơn nữa những quy định của luật pháp về những vấn đề như ngân hàng trong một Tập đoàn, một Tổng công ty, đồng thời có những cảnh báo về lợi nhuận của kinh doanh ngân hàng giữa thực và “ảo” để làm “nguội” những cái đầu “nóng” vì lợi nhuận.

Bảo Nguyên