“Sóng gió” cùng vàng:
Kỳ 2: May nhờ, rủi chịu
(ANTĐ) - Bất động sản xuống giá và giảm sút giao dịch; TTCK tụt dốc và ảm đạm; chỉ số giá tiêu dùng tăng cao khiến cho lãi suất tiết kiệm không mấy hấp dẫn... Tất cả những điều đó khiến cho giới đầu tư đổ xô sang tìm kiếm cơ hội “lướt sóng” trên sàn giao dịch vàng. Tuy nhiên, trong không ít lần “ra khơi”, giới kinh doanh vàng trên tài khoản cũng đã bị “sóng to gió lớn” nhấn chìm.
>>> Kỳ 1: "Đỏng đảnh" khó lường
Thua lỗ không hẳn vì thiếu vốn, kinh nghiệm
Sức hấp dẫn của sàn giao dịch vàng Sài Gòn do Ngân hàng TMCP á Châu (ACB) tổ chức được minh chứng qua khối lượng giao dịch vàng tại đây ngày một tăng mạnh mà đỉnh điểm lên tới 400.000 cây vàng/ngày. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa mọi nhà đầu tư đến đây đều “ăn nên làm ra”.
Anh Nguyễn Quang Anh, nhà đầu tư đã “lên sàn” từ cuối năm 2007 cho biết, bao nhiêu vốn liếng rút ra từ chứng khoán, cộng với kinh nghiệm đầu tư vàng vật chất trước đó được anh “trút” cả vào sàn giao dịch vàng.
Sự biến động khá mạnh của thị trường vàng trong 5 tháng qua đã tạo ra “sóng” để những nhà đầu tư như anh có cơ hội “lướt”. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm không ít “sóng to gió lớn” khiến cho những nhà đầu tư dù đã khá dày cả về vốn và kinh nghiệm như anh cũng bị “lật thuyền”.
Anh Quang Anh kể, như phiên giao dịch ngày 19-3, sau khi FED ra quyết định cắt giảm 0,75% lãi suất USD, giá vàng giao ngay tại thị trường New York bất ngờ giảm mạnh tới 21,5USD/oz rồi giảm tiếp tới 38,40 USD/oz trong phiên giao dịch kế tiếp.
Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với thông tin phân tích trước đó bởi thông thường khi lãi suất USD bị cắt giảm thì đồng USD sẽ suy yếu và vàng sẽ “lên ngôi”. Với “dữ liệu” này, anh Quang Anh cũng như hầu hết các nhà đầu tư đều mạnh tay đặt lệnh mua.
Trong phiên giao dịch ngày 19-3, sàn ACB có tới 359.350 lượng vàng được giao dịch với mức giá bình quân 19,14 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, cùng với sự sụt giảm của giá thế giới, ngày 20-3, vàng SJC đã mất tới gần 800.000đ/lượng so với phiên trước đó. Và với những nhà đầu tư giữ vàng qua đêm như anh, quả đúng là bi kịch!
Giao dịch vàng qua tài khoản ngày một hấp dẫn |
Còn với bác Phạm Đình Hòa, trong nhiều trường hợp kể cả đã phân tích, nhận định “chuẩn” nhưng lại vẫn thua thiệt do sự bất hợp lý về mức giá niêm yết của doanh nghiệp vàng.
Đơn cử như phiên giao dịch ngày 29-2, khi giá vàng thế giới mới ở mức 975 USD/oz, giá vàng SJC đã lên tới mức giá 19,10/19,20 triệu đồng/lượng do giới đầu tư đẩy mạnh mua vào vì kỳ vọng giá lên. Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 14-3, khi giá vàng thế giới đã vọt lên tới 1.003,3 USD/oz thì giá vàng SJC chỉ là 19,00/19,20 triệu đồng/lượng.
“Do vậy, khi nhận định giá thế giới sẽ tăng, chúng tôi mua vàng chờ giá lên thì bán nhưng nhận định đúng rồi cũng không chốt lời được vì giá trong nước không chịu tăng cho” - bác Hòa nói.
Đó là chưa kể, sự lệch về thời gian giao dịch giữa sàn vàng thế giới (sàn New York) và sàn của ACB cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp. Chị Mai Thu Trang, nhà đầu tư tại Hà Nội than thở, không hiếm khi, chị đã “cụt vốn” chỉ sau một đêm ngủ dậy bởi trong khi giá thế giới nhảy từng giờ thì sàn ACB lại đóng cửa khiến cho chị có định đặt lệnh mua hay bán thì cũng chịu!
Lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn
Tới đây, sàn giao dịch vàng Sài Gòn sẽ chịu sự cạnh tranh của một số đơn vị cung cấp dịch vụ khác. Điều đó có nghĩa, phí dịch vụ, chất lượng phục vụ... sẽ phải tăng lên. Tuy nhiên, điều mà giới đầu tư kỳ vọng hơn cả, đó là phải xây dựng được một cơ chế giao dịch vàng nhằm đảm bảo hoạt động này công bằng, minh bạch.
Ông Đinh Nho Bảng - Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam (VGBA) cho biết, tổ chức này vừa có công văn gửi NHNN đề nghị ban hành quy chế giao dịch này, trong đó có những vấn đề cơ bản như: Điều kiện để được thành lập và hoạt động sàn giao dịch vàng; Quy chế hoạt động, cách thức tổ chức ra sao; Các công cụ phòng ngừa rủi ro thế nào...
Hiện VGBA cũng đang triển khai các bước cần thiết để thành lập một sàn giao dịch vàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thành viên tham gia trên sàn giao dịch sẽ bao gồm nhiều ngân hàng, doanh nghiệp có tiềm lực lớn.
Sàn cũng sẽ đưa nhiều loại vàng lên đó giao dịch như vàng hạt, vàng miếng của nhiều doanh nghiệp thay vì chỉ duy nhất vàng miếng của SJC như sàn ACB hiện nay. Và vấn đề khi giá vàng lên khó bán hay ngược lại giá vàng giảm khó mua hiện nay cũng sẽ được nghiên cứu để xử lý theo hướng, sàn sẽ mua lại cho nhà đầu tư.
Ngoài “sàn” của VGBA, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác cũng đã sẵn sàng “nhảy” vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hấp dẫn này. Ông Lưu Quang Điền - Giám đốc CTCP Vàng bạc SJC Hà Nội cho biết, doanh nghiệp này cũng đang tích cực chuẩn bị để tham gia mở sàn vào đầu tháng 7-2008 tới đây.
Tính thanh khoản của sàn giao dịch vàng này là yếu tố đầu tiên được SJC Hà Nội xem xét đến. Chẳng hạn, trên sàn vàng của ACB hiện nay, do lượng vàng vật chất có hạn nên “nhà cái” đã đưa ra quy định, nhà đầu tư cá nhân chỉ được rút tối đa 10 lượng/ngày, đại lý tối đa 1.000 lượng/ngày, làm hạn chế đáng kể tính thanh khoản. Bên cạnh đó, những hạn chế khác về giá, thời gian giao dịch... trên sàn vàng hiện nay cũng sẽ được doanh nghiệp này xem xét khắc phục.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng vàng Thế giới tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, kinh doanh vàng trên tài khoản do lượng giao dịch rất lớn (nhà đầu tư chỉ phải ký quỹ 7% trên tổng khối lượng giao dịch với mức tối thiểu là 50 lượng/lần đặt lệnh), nên có thể mang đến lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất lớn và có thể gấp đến 10 lần so với giao dịch vàng vật chất.
“Giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá thế giới, trong khi diễn biến giá thế giới lại phụ thuộc vào hàng loạt những thông tin về chính trị, kinh tế của thế giới và nền kinh tế Mỹ và hành động của giới đầu cơ quốc tế cũng như tâm lý nhà đầu tư trên toàn cầu. Việc cập nhật những thông tin này đã khó, việc phán đoán diễn biến từ đó ra quyết định đầu tư càng khó.
"Thêm vào đó, biên độ dao động giá thế giới có những phiên cực lớn (có phiên giá vàng thế giới tăng/giảm hàng trăm USD/oz) cùng với sự lệch giờ giao dịch khiến cho nhà đầu tư trong nước khó trở tay.
"Đó là chưa kể, thị trường Việt Nam do chưa liên thông với giá thế giới (nhập theo hạn ngạch; chỉ nhập mà không xuất được) nên nhiều khi kéo theo sự bất hợp lý giữa giá trong nước và giá thế giới... Do vậy, nhà đầu tư phải rất thận trọng khi kinh doanh vàng, tránh mua-bán do tâm lý” - ông Khánh khuyến cáo.
Thảo Nguyên