Kiến nghị xây dựng quy định cho kinh doanh "hàng xách tay"

ANTD.VN - Ông Đỗ Minh Chiến - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên kiến nghị có xây dựng quy định cụ thể cho kinh doanh hợp pháp "hàng xách tay".

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp

Chiều 4-1-2018, Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 trên địa bàn TP Hà Nội.

Tham luận tại hội nghị, ông Đỗ Minh Chiến - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quận Long Biên cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quận Long Biên diễn biến phức tạp.

Quận Long Biên hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp và gần 90% số doanh nghiệp này hoạt động thương mại dịch vụ; 8.900 hộ kinh doanh cá thể, 4 trung tâm thương mại lớn. Gần đây, nhiều thông tin phản ánh tình trạng kinh doanh "hàng xách tay" tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên là trái pháp luật, buôn bán hàng lậu. 

Ông Đỗ Minh Chiến cho biết: "Trước phản ánh này, Ban chỉ đạo 389 quận Long Biên đã tổ chức đối thoại trực tiếp với 28 hộ kinh doanh "hàng xách tay" trên phố Nguyễn Sơn để cùng tìm hiểu khó khăn, vướng mắc và tìm cách giải quyết. 28 hộ kinh doanh này đều có mặt và thiết tha mong muốn được kinh doanh "hàng xách tay".

Đa số "hàng xách tay" có chất lượng tốt, nhu cầu tiêu dùng của người dân lại cao, nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật cho việc kinh doanh hàng xách tay nên chúng tôi kiến nghị nên có quy định cụ thể để kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, nếu "hàng xách tay" là hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng bị cấm thì vẫn bị xử phạt".

Đại diện Ban chỉ đạo 389 quận Long Biên cũng cho rằng, hiện nay, thủ tục đăng ký kinh doanh một số mặt hàng như thực phẩm chức năng rất phức tạp, liên quan đến nhiều sở, ngành nên các cơ quan liên quan cần tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh.

Theo Ban chỉ đạo 389/TP, năm 2017, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như quần áo, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm... 

Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra. Ngoài việc làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài và từ Trung Quốc vào trong nước tiêu thụ. 

Năm 2017, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389/TP đã thanh tra, kiểm tra 35.832 vụ, xử lý 26.143 vụ (tăng 2.554 vụ xử lý so với cùng kỳ năm 2016); Đã khởi tố 91 vụ đối với 118 đối tượng. Tổng thu nộp ngân sách là  3.954 tỷ 246 triệu đồng.