Kiểm soát giá còn lỏng lẻo
(ANTĐ) - Tình hình giá cả biến động khó lường trước Tết Nguyên đán 2011 tiếp tục là quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng. Ngày 3-12, Chính phủ đã tổ chức giao ban trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về kiểm soát, bình ổn giá, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Giá cả dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp dịp cận Tết nguyễn đán 2011. |
Không lo thiếu hàng
Điểm lại diễn biến giá cả năm 2010, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sau khoảng 5 tháng tương đối ổn định, giá cả bắt đầu tăng mạnh trở lại trong 3 tháng gần đây.
Nêu hàng loạt nguyên nhân gây ra sức ép tăng giá, Bộ Tài chính đánh giá: “Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về quản lý giá chưa tốt, hiệu quả còn thấp. Cung ứng hàng hóa còn hiện tượng độc quyền, chồng chéo, vòng vèo, nhiều tầng nấc (như sữa, thuốc chữa bệnh, xăng dầu...) cũng góp phần đẩy giá lên. Thời gian tới, giá còn diễn biến phức tạp. Do đó, phải quyết liệt kiểm soát các mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt thép, thuốc chữa bệnh, sữa, lương thực, thực phẩm...”.
Trước mối lo về nhu cầu hàng hóa sẽ tăng cao dịp sát Tết Nguyên đán 2010, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng... đã được chuẩn bị đầy đủ trong những tháng cuối năm. “Chúng ta không lo thiếu hàng hóa trong những tháng cuối năm” - bà Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
Trả lời lo lắng của các địa phương về tình hình cung cấp lương thực, thực phẩm - nhóm hàng có thể tăng giá mạnh trong dịp sát Tết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, lượng gạo dự trữ hiện có khá lớn, trên 1 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tương tự, lượng đường và thịt (lợn, gia cầm...) cũng đủ cung ứng cho thị trường. Ông cho biết: “Đường đang tồn kho 30.000 tấn. Thịt sản xuất khoảng 4 triệu tấn, tương đương nhu cầu song phải nhập thêm từ 70.000-80.000 tấn để đảm bảo nguồn cung. Nói chung, có thể yên tâm không có “sốt” giá thịt...”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cảnh báo, những ngày tới, có thể sẽ thiếu rau khiến giá tăng ở một số nơi do sản xuất bị thiệt hại nặng bởi thiên tai. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, các địa phương cần ứng vốn hỗ trợ nông dân mua hạt giống, kịp thời sản xuất để có sản phẩm cung ứng cho dịp Tết sắp tới.
Xử lý vi phạm còn yếu
Đánh giá tình hình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phân tích: “Tăng giá vừa
Phó Thủ tướng Làm rõ trách nhiệm nếu xảy ra tăng giá bất thường “Trước hết, phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để bảo đảm nguồn hàng hóa. Đồng thời, bảo đảm lưu thông hàng hóa, không để khó khăn về giao thông, vận tải dẫn đến tăng giá hàng hóa một cách không đáng có. Phải giữ ổn định giá một số mặt hàng, dịch vụ đầu vào cơ bản và điều hành các công cụ tài chính, tiền tệ linh hoạt. Các địa phương chủ động chuẩn bị hàng hóa, tích trữ và theo dõi thường xuyên diễn biến thị trường để can thiệp kịp thời. Đối với các trường hợp "sốt" giá, thông tin không chính xác, phải điều tra, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng và xử lý nghiêm khắc. Các bộ, ngành chức năng liên kết tổ chức kiểm tra, giám sát chống độc quyền, tăng giá trục lợi. Ngoài ra, phải làm rõ trách nhiệm của các ban quản lý chợ, quản lý thị trường nếu để xảy ra tăng giá bất thường". Phương Mai (Ghi) |
qua có nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu do nhu cầu trong nước lên cao trong khi giá thế giới tăng mạnh cộng thêm tác động tiêu cực từ biến động giá vàng, giá USD... ảnh hưởng tới tâm lý chung... Đơn giản là người ta thấy giá vàng lên cao thì đẩy giá bán hàng lên theo...”.
Phó Thủ tướng đánh giá, giải pháp bình ổn giá còn nhiều tồn tại, chưa phát huy hết hiệu quả, nhất là trong khâu kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ông nói: “Số vụ vi phạm về giá được xử lý chiếm tỷ lệ chưa tới 10% tổng số vụ vi phạm về quản lý thị trường. Điều này chứng tỏ kiểm soát giá chưa làm tới nơi tới chốn. Thêm vào đó, ta cũng chưa có cơ chế kiểm soát độc quyền và hệ thống phân phối hiệu quả...”. Dự báo tình hình những tháng tới còn phức tạp, Phó Thủ tướng nhận định: “Giáp Tết, nhóm lương thực, thực phẩm càng bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố tâm lý. Phải kiểm tra sát sao để khắc phục vấn đề này”.
Thông tin từ các địa phương cho thấy, các tỉnh, thành phố đều tập trung cao cho công tác bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, gắn với bữa cơm của người dân. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, thành phố đã ứng vốn 500 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa ứng phó với biến động của thị trường.
Thành phố đã tổ chức hơn 300 điểm bán hàng bình ổn giá. Khi thị trường biến động, các điểm này sẽ bán hàng với giá thấp hơn thị trường từ 10-15%... Tuy vậy, Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhìn nhận: “Kiểm tra về giá còn ít do lực lượng mỏng”.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hồng lý giải: “Không đủ người để kiểm tra và xử lý kịp thời tất cả các vi phạm về giá. Đã vậy, mức xử phạt hành chính hiện nay quá nhẹ, không đủ có thể khiến đối tượng vi phạm chùn tay. Thế nên, dù có xử lý hàng chục nghìn trường hợp nhưng vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, hiệu quả rất thấp... Đề nghị tăng mức xử phạt, đủ tính răn đe để mọi người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật...”.
Cùng với việc kiểm soát gắt gao ở cấp cơ sở, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị, Chính phủ tiếp tục áp dụng linh hoạt các biện pháp kinh tế vĩ mô để kiềm chế lạm phát, tạo tâm lý ổn định cho thị trường. “Hà Nội hay các địa phương khác bình ổn giá chỉ là làm phần ngọn, gốc của vấn đề vẫn trông chờ ở các chính sách vĩ mô của Chính phủ” - ông Nguyễn Huy Tưởng nói.
Thành Nam