Không "nhanh chân", doanh nghiệp dệt may sẽ mất cơ hội tăng trưởng

ANTĐ - Được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết, đặc biệt là TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đứng trước không ít thách thức. Trong đó, quy tắc xuất xứ và trình độ lao động là 2 điểm yếu nhất cần được khắc phục.

Không "nhanh chân", doanh nghiệp dệt may sẽ mất cơ hội tăng trưởng ảnh 1Chuẩn bị tốt, doanh nghiệp dệt may sẽ khai thác được lợi thế từ FTA

Cơ hội mong manh?

Ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, chiến lược phát triển ngành dệt may đã được điều chỉnh nhằm khắc phục những điểm yếu như: đào tạo nhân lực, phát triển cây bông… Tuy nhiên, đáng tiếc là các mục tiêu này đã không thực hiện được. “Diện tích trồng bông lúc cao nhất đạt 35.000ha, cung cấp từ 10.000 - 15.000 tấn bông, nhưng hiện nay diện tích này rút xuống chỉ còn 3.000ha.

Nguyên nhân lớn nhất là do chúng ta chưa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nên phát triển sản phẩm dệt thoi còn hạn chế” - ông Phan Chí Dũng nói. Ông Phan Chí Dũng cũng cho rằng, FTA mang lại cơ hội rất lớn cho ngành dệt may nhưng nếu doanh nghiệp trong nước không “nhanh chân” thì cơ hội sẽ thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. 

Đã gần 30 năm hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản và 90% sản phẩm của công ty xuất khẩu sang thị trường này, song bà Trương Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đông Xuân cho rằng: “Cơ hội cho doanh nghiệp quá mong manh khi nhìn vào nội lực của doanh nghiệp. Để tận dụng được những ưu đãi của FTA thế hệ mới như TPP đối với các doanh nghiệp là một thách thức”.

Theo bà Trương Thanh Hà, để đầu tư vào công đoạn dệt, doanh nghiệp cần lượng vốn lớn, nhưng đây chỉ là thách thức ban đầu. Bởi doanh nghiệp cũng rất lo lắng về nhân lực để quản trị nhà máy, làm sao có được con người không chỉ vận hành trơn tru mà hàng sản xuất ra còn phải thích ứng với việc thay đổi mẫu mã liên tục. 

Bà Trương Thanh Hà cũng nêu lên một trở ngại khác của doanh nghiệp Việt Nam là ngoại ngữ không tốt. “Khi tham gia xúc tiến thương mại ở các nước, một số doanh nghiệp “biết mất” là do không biết ngoại ngữ. Dù có người phiên dịch nhưng cũng chưa chắc đã chuyển tải được hết suy nghĩ của mình và đối tác. Vấn đề này càng khó hơn nữa nếu doanh nghiệp mở rộng nhà máy về các địa phương” - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đông Xuân thẳng thắn chỉ ra. 

Vẫn còn thời gian chuẩn bị

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dệt may là ngành công nghiệp giữ vị trí quan trọng. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may chiếm 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu biết tận dụng cơ hội từ FTA thì kim ngạch xuất khẩu ngành này còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, thách thức nhìn thấy đối với ngành dệt may là đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo mỗi FTA. 

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lo ngại, với cơ hội lớn do các FTA mang lại, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tự tái cấu trúc, nâng cao sức cạnh tranh thì các doanh nghiệp FDI sẽ tranh thủ đầu tư, khai thác lợi thế. Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Bắc Hà kiến nghị: “Bộ Công Thương cần có giải pháp, làm việc với các tỉnh quy hoạch quỹ đất, ưu tiên cấp cho nhà đầu tư có năng lực của Việt Nam. Nếu dành được quỹ đất phù hợp với việc phát triển vùng nguyên liệu thì chuẩn tín dụng cho các doanh nghiệp được xem xét hạ xuống”.

Theo đại diện của văn phòng Ủy ban quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn còn thời gian cho các doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn lực tốt hơn khi hội nhập. Bởi vì, nếu TPP được ký kết, cũng mất 1-2 năm các cam kết mới được thực hiện. Các FTA khác cũng có thời gian tương tự, thậm chí lâu hơn.