Không nên "ép" để 5 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

ANTD.VN - Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, nước ta hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, về bản chất kinh tế, họ chính là doanh nghiệp nhưng lại không được quy định tại bất cứ văn bản nào.

Sửa luật để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp siêu nhỏ

Ngày 20-2, VCCI tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, kể từ khi ra đời, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã tạo ra những bước đột phá trong hoạt động đầu tư kinh doanh. 

Theo đó, thời gian thành lập doanh nghiệp dần giảm mạnh, từ hàng tháng trời xuống còn 1-2 ngày. Việc cấp giấy phép kinh doanh từ lúc còn dè dặt, lo ngại đến nay đã có sự công bằng, thuận lợi. Lần đầu tiên, theo Luật Doanh nghiệp, người dân được phép thành lập doanh nghiệp không phải xin phép mà chỉ phải đăng ký; Loại bỏ nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện... Từ đó, kinh tế tư nhân có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. 

Đơn cử như, "ở nước ta hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, về bản chất kinh tế, họ chính là doanh nghiệp. Trong các nền kinh tế khác, không ai bỏ các hộ kinh doanh ra khỏi phạm vi điều chỉnh của văn bản pháp luật.

Khu vực kinh tế này tại Việt Nam hiện chiếm 30% GDP cả nước nhưng lại không được quy định tại bất cứ văn bản nào, bị loại ra khỏi Luật Doanh nghiệp"- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Do đó, Chủ tịch VCCI kiến nghị, cần chính thức hóa hộ kinh doanh, coi họ là doanh nghiệp siêu nhỏ. Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần đề cập đến điều này. 

Đồng quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng: "Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được sinh ra để lấp chỗ trống thời kỳ cấm doanh nghiệp tư nhân, nay đã hết vai trò. Duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là một sự bất bình đẳng, một sự mập mờ pháp lý".

Vì vậy, cần loại bỏ hộ kinh doanh (phải đăng ký kinh doanh), để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty.

Theo Luật sư Lê Văn Hà- Công ty Luật Pathlaw, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng (gần 5 triệu hộ), là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế (gần 10 triệu việc làm).

Vì vậy, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, Luật sư Lê Văn Hà cho rằng, cần bỏ quy định có tính chất cưỡng ép và thiếu thực tiễn về việc bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành doanh nghiệp tại điều 212 Luật Doanh nghiệp 2014.