Không nên cấm kinh doanh vàng trên tài khoản

(ANTĐ) - Đây là nội dung đặc biệt gây chú ý tại hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện” diễn ra sáng 10-8.

Không nên cấm kinh doanh vàng trên tài khoản

(ANTĐ) - Đây là nội dung đặc biệt gây chú ý tại hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện” diễn ra sáng 10-8.

Thị trường vàng sôi động và nhạy cảm Ảnh minh họa
Thị trường vàng sôi động và nhạy cảm                Ảnh minh họa

Theo ông Trương Quang Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), danh mục dịch vụ cấm kinh doanh bổ sung thêm 5 nội dung mới, trong đó có hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Khoa Pháp luật kinh tế (Đại học Luật Hà Nội) lại không tán đồng.

Theo bà Yến, hoạt động này mới bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấm kinh doanh với lý do thiếu Quy chế pháp lý và mang tính rủi ro cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. “Nhưng đây là hoạt động đầu tư tài chính ở cấp cao và chuyên nghiệp. Việc kinh doanh vàng này không nhằm hướng tới việc giao và nhận vàng thực, hữu hình mà nhằm đầu cơ về giá vàng trong tương lai để kiếm lợi nhuận” - bà Yến phân tích. Nói cách khác, các nhà kinh doanh mua vàng trên tài khoản với giá thỏa thuận vào thời điểm hiện tại, nhưng mới phải nộp tiền ký quỹ bằng một phần giá trị hợp đồng, sẽ chỉ thanh toán và nhận vàng vào thời điểm ấn định trong tương lai.

Do vậy, lợi nhuận hay rủi ro của nhà kinh doanh dựa vào sự phán đoán của họ về giá vàng trong tương lai, tại thời điểm giao nhận vàng. Bà Yến cho rằng, hoạt động này tương đồng với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa và ở mức độ nhất định, có nhiều nét tương đồng với hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong khi hoạt động mua hàng hóa qua sở giao dịch hay đầu tư chứng khoán được phép thì kinh doanh vàng trên tài khoản lại bị cấm. Bà Yến đề nghị đưa hoạt động này vào danh  mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện bởi thực tế, sau khi sàn giao dịch vàng bị cấm hoạt động, các nhà kinh doanh đã chuyển sang giao dịch bạc trên tài khoản.

Còn theo ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vàng, không có thị trường nào sôi động và nhạy cảm như thị trường vàng nên hoạt động này cần có định hướng trong dài hạn, không nên dùng giải pháp tạm thời là “cấm”. Ông Bảng lập luận: “Kinh doanh vàng trên tài khoản là hình thức phổ biến trên thế giới. Việt Nam không nên đi ngược lại xu thế này. Giá vàng kinh doanh trên tài khoản được định giá từng giây, quyết định thắng lợi của nhà đầu tư.

Kinh doanh vàng vật chất không nhanh nhạy như vậy. Nhà nước cũng căn cứ vào giao dịch trên tài khoản mà kiểm soát dễ dàng hơn được lượng xuất - nhập khẩu mặt hàng này”. Cũng theo ông Bảng, giao dịch trên tài khoản là công khai và khách quan. Giá thế giới và giá Việt Nam liên thông với nhau, rút ngắn khoảng cách chênh lệch, tránh được xuất lậu vàng, trốn thuế… Ông Bảng đề nghị, cần đưa hoạt động này vào danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có Quy chế cho hoạt động này. Sở dĩ sàn giao dịch vàng phải đóng cửa vì quy chế cho hoạt động này soạn thảo 3 năm vẫn chưa xong!

Đại diện Công ty Luật Á Châu cũng phản biện, điểm bất hợp lý trong hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản là cho nhà đầu tư vay nhiều, tới 70%. Nên hạn chế tỷ lệ này và quy định như với hoạt động chứng khoán, có tiền mới được đặt lệnh mua chứng khoán, có sở hữu mã chứng khoán mới được đặt lệnh bán. Vị đại diện này cho rằng, cấm hoạt động chỉ là tạm thời. Rất nhiều công ty lập sàn giao dịch vàng, trang bị máy móc thiết bị tới hàng tỷ đồng nhưng bị cấm khiến họ phá sản. Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP tiếp thu các ý kiến này và tiếp tục nghiên cứu.

Cũng theo nội dung của dự thảo Nghị định mới này, hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi; hoạt động kinh doanh mại dâm, tổ chức mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em; hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích kiếm lời cũng bị cấm kinh doanh. Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh bổ sung thêm 6 hàng hóa, dịch vụ; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh bổ sung 5 đối tượng và nhóm hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện cũng được bổ sung thêm căn cứ vào tình hình thực tế.

Vân Hằng