Không lẽ để tiền "đóng băng"

ANTD.VN - Trước diễn biến đồng USD tăng giá, tỷ giá trong nước những ngày này đang có nhiều biến động. Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng mạnh giá USD từ 40 đến 50 VND/USD. Đây là mức tăng cao nhất trong 1 tháng qua. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm lên 22.236 VND/USD, tăng thêm 1 VND/USD.

Biến động tỷ giá tăng trong những ngày qua mang tính “thời vụ”, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thực tế của một số ngân hàng trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ trong tương lai để thanh toán cũng “tranh thủ” mua USD kỳ hạn trước do họ dự báo tỷ giá VND/USD sẽ chịu nhiều áp lực từ việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay. 

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo trong năm 2017, việc giữ vững mặt bằng lãi suất sẽ đứng trước một số thách thức khi lạm phát có khả năng tăng khoảng 5%, giá hàng hóa thế giới phục hồi. Đặc biệt, lãi suất USD trên thị trường thế giới tăng sẽ kéo theo áp lực từ phía tỷ giá, trong khi nợ xấu và tái cơ cấu tại một số ngân hàng yếu kém ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất. Đến thời điểm này, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang khá dư dả vốn cho vay, song muốn tìm được dự án tốt để đẩy vốn ra thị trường lại gặp khó khăn. 

Theo đại diện một số ngân hàng, xét về “sức khỏe, thể trạng” của nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn yếu, chỉ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là ổn định. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 18-20% cho toàn hệ thống ngân hàng, giới kinh doanh nhận định mức lãi suất cho vay tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, tỷ giá luôn là “ẩn số” lớn bởi phụ thuộc vào mức lạm phát và việc tăng lãi suất của FED (dự kiến sẽ tăng 3 lần trong năm nay) sẽ có nhiều khả năng đẩy lùi lãi suất nhích lên.

Theo dõi diễn biến trên thị trường tiền tệ có thể nhận thấy nhiều “triệu chứng” khác năm ngoái, bởi thế buộc các ngân hàng phải thận trọng khi đã huy động hết vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Họ chỉ “chọn mặt” những doanh nghiệp có tài sản thế chấp và có dự án dở dang để rót vốn tiếp. Hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào khi lượng tiền dư thừa sau khi đã thỏa mãn nhu cầu chi tiêu dịp Tết, nhanh chóng quay trở lại hệ thống.

Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất “khát”, song cả Ngân hàng Nhà nước lẫn các ngân hàng thương mại đều thận trọng khi xuống tiền. Tránh rủi ro, thận trọng cho vay tín dụng là nguyên tắc sống còn của ngân hàng, nhưng không lẽ để tiền “đóng băng” trong nhà băng thay vì bơm mạnh vào nền kinh tế, nhất là cho doanh nghiệp?