Không khí sản xuất đầu năm sôi động tại nhiều doanh nghiệp

ANTD.VN - Hôm nay (21-2), người lao động trên cả nước bắt đầu quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày. Nhiều nhà máy đã ra quân sản xuất, khởi động cho những đơn hàng đầu năm.

Ngay từ ngày mùng 5 Tết Mậu Tuất 2018, trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, nhiều nhà máy đã ra quân sản xuất với tinh thần hăng say, nhiệt huyết làm việc trong các khâu sản xuất.

Đãi ngộ tốt để “giữ chân” lao động

Ngay từ sáng sớm, chị Hoàng Thị Dung (đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) đã chuẩn bị sẵn sàng để bước vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới. “Tôi ở quê lên Hà Nội từ chiều qua. Hôm nay, tôi sẽ đến công ty sớm hơn bình thường để tham gia buổi gặp mặt đầu năm, nhận mừng tuổi từ lãnh đạo công ty, sau đó bắt tay vào làm việc luôn. Năm mới, tôi mong muốn công ty có thêm chế độ đãi ngộ, lương thưởng hợp lý để khích lệ người lao động nỗ lực sản xuất.” – chị Hoàng Thị Dung chia sẻ.

Trong không khí thi đua lao động sản xuất đầu xuân, anh Nguyễn Văn Nam (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) tự chúc mình gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong năm làm việc sắp tới. Anh Nguyễn Văn Nam cho hay: “Năm nay tôi sẽ quyết tâm làm việc để có được thành quả tốt nhất. Tôi cũng mong muốn công ty có nhiều hoạt động chăm lo đến đời sống của công nhân; chuyên nghiệp trong quản lý, minh bạch trong việc tăng lương, thưởng để người lao động an tâm và làm việc hết mình.”

Theo các trung tâm nghiên cứu thị trường lao động, doanh nghiệp muốn giữ chân lao động, thì phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng với sự cống hiến của người lao động.

Đánh giá về tình hình người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, ông Phạm Khắc Tuấn cho rằng, trong mấy năm trở lại, công nhân quay lại làm việc chiếm tỷ lệ cao do công việc, thu thập ổn định, chính sách đãi ngộ cho người lao động của chủ doanh nghiệp được cải thiện.

Nhiều doanh nghiệp ngoài thưởng Tết hơn một tháng lương còn hỗ trợ thuê  xe tổ chức đưa công nhân về quê đón Tết ở các tỉnh phía bắc, miền trung và đón trở lại nhà máy làm việc miễn phí.

Những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động mức thiếu hụt có thể lên tới 10%

Thiếu hụt lao động sau Tết khoảng 3-5%

Theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tháng sau Tết, mức thiếu hụt bình quân của các doanh nghiệp khoảng 3-5%, những ngành sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, dịch vụ nhà hàng, khách sạn mức độ thiếu hụt có thể lên tới 8-10%; mức độ dịch chuyển lao động trong các doanh nghiệp bình quân khoảng 6-8%.

Theo các chuyên gia lao động, sau Tết Nguyên đán là giai đoạn cao điểm về nhu cầu tuyển dụng bởi tâm lý “nghỉ nướng” của một số lao động có quê xa. Sau một thời gian làm việc liên tục, người lao động có nhu cầu nghỉ ngơi rồi mới quay lại thành phố để tìm việc.

Tuy nhiên, những năm gần đây, những năm gần đây mức độ thiếu hụt lao động không ở mức đáng lo ngại. Lý do, người lao động có nhu cầu ổn định công việc, không muốn thay đổi công việc, đồng thời các doanh nghiệp đã ý thức việc giữ nhân sự bằng các giải pháp căn cơ như bảo đảm công việc ổn định, lương và phúc lợi được cải thiện, chính sách chăm lo Tết chu đáo...

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng doanh nghiệp bắt đầu tổ chức sản xuất lại từ sáng 21-2. Dù vậy, một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn vẫn tổ chức sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua nhằm sản xuất cho kịp đơn đặt hàng. Các nhà máy này chủ yếu của doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.

Công nhân làm việc trong các ngày nghỉ Tết được hưởng 300% tiền lương. Do đó, một số doanh nghiệp sắp xếp làm bù cho người lao động nghỉ Tết đến ngày 11 tháng Giêng (26-2).