Không để "lọt lưới" doanh nghiệp ngoại "câu giờ" trốn thuế

ANTĐ - Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra khi đánh giá về việc “câu giờ” của các tập đoàn nước ngoài khi tiến hành thương vụ chuyển nhượng hệ thống Siêu thị Big C. Bởi theo quy định, trong vòng 10 ngày kể từ khi hoàn tất việc chuyển nhượng, các bên liên quan phải tiến hành kê khai và nộp thuế. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi, vì vậy phải nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Không dễ nhưng quyết thu

Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD, tương đương khoảng 23.300 tỷ đồng để trở thành chủ sở hữu mới của hệ thống Siêu thị Big C tại Việt Nam. Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Central Group thông báo đã nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) vào ngày 29-4-2016, với giá trị chuyển nhượng là 1,04 tỷ USD.

Theo ước tính của cơ quan thuế, số tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng trên có thể lên tới 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng kể từ khi thương vụ được hoàn tất, cơ quan thuế vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế của các bên liên quan trong thương vụ chuyển nhượng. 

Nhìn nhận khả năng thu thuế từ thương vụ này, một số ý kiến cho rằng việc thu thuế sẽ rất khó. Thứ nhất là do thương vụ được thực hiện bên ngoài Việt Nam, trong đó Tập đoàn Casino chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cavi Retail (công ty sở hữu toàn bộ hệ thống 32 siêu thị mang tên Big C tại Việt Nam) cho Tập đoàn Central Group. Như vậy, thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam là một giao dịch chuyển nhượng vốn điển hình, không phải giao dịch liên kết nhằm mục đích chuyển giá.

Tuy nhiên, cơ quan thuế cho biết, theo pháp luật Việt Nam và quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Pháp, mức thuế chuyển nhượng Big C là 20%, trong đó quyền đánh thuế thương vụ này thuộc về cơ quan thuế Việt Nam. Đại diện cơ quan thuế khẳng định, dù trụ sở chính của hai đơn vị trên đều nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hệ thống Big C hiện nay có phát sinh thu nhập từ Việt Nam, do vậy phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo quy định, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn. Vì vậy, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Tổng Giám đốc hệ thống Siêu thị Big C Việt Nam, Tập đoàn Casino và Tập đoàn Central yêu cầu phối hợp kê khai, nộp thuế chuyển nhượng. Trường hợp các bên chậm kê khai và nộp thuế so với thời hạn, cơ quan thuế Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Đồng thời, Tổng cục Thuế khuyến cáo sẽ không cho Big C chuyển đổi chủ mới nếu chậm nộp thuế.

Một số chuyên gia cũng có cùng quan điểm, đó là cơ quan thuế hoàn toàn có thể sử dụng các quyền lực trong tay để buộc Big C phải nộp lại khoản tiền thuế chuyển nhượng. Trong trường hợp Big C vẫn còn tài sản tại Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế tài sản hoặc phong tỏa tài sản đó.

Trường hợp đã chuyển nhượng hết rồi thì vẫn có thể sử dụng bên thứ ba là đơn vị nhận chuyển nhượng khi chuyển tiền sẽ khấu trừ lại khoản thuế còn nợ. Thậm chí, trường hợp bên thứ ba đã chuyển hết tiền cho Big C thì vẫn có thể nhờ tới Interpol Việt Nam để đòi khoản nợ xuyên quốc gia.

Quy định rõ để tránh doanh nghiệp “câu giờ”

Theo TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, thương vụ chuyển nhượng Big C nêu trên tương tự như vụ Metro Cash & Carry chuyển giao hệ thống cho TCC Holdings (Thái Lan) cuối năm ngoái. “Luật M&A - mua bán và sáp nhập có quy định rất rõ về vấn đề này. Thương vụ chuyển nhượng giữa Casino Group và Central Group cũng tương tự như thương vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam và chúng ta hoàn toàn có thể thu được thuế”, TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã thu được 1.911 tỷ đồng tiền thuế của Tập đoàn Metro sau thương vụ chuyển giao Công ty TNHH Metro Cash & Carry Vietnam (Metro). Việc thu được số tiền thuế từ thương vụ chuyển nhượng này thể hiện sự kiên quyết của cơ quan thuế. Có thể nói, đằng sau thông tin hết sức ngắn về việc thu được tiền cho ngân sách là một cuộc tìm kiếm cơ sở và thương lượng cũng như đấu tranh pháp lý hết sức công phu của cơ quan chức năng.

Trước đó, nhìn nhận về các hoạt động liên quan đến chuyển nhượng vốn trực tiếp và gián tiếp, nhượng quyền kinh doanh như trường hợp như Metro hay Big C, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) khẳng định không để “lọt lưới” gây thất thu lớn cho ngân sách đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) núp bóng kinh doanh nhượng quyền rồi báo lỗ để né nộp thuế.

Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh có 2 phần, thứ nhất là bản thân doanh nghiệp là thực thể pháp nhân đang hoạt động tại Việt Nam và thứ hai là chủ sở hữu, tức ông chủ thực sự của các doanh nghiệp này. Trường hợp các doanh nghiệp lỗ mà “ông chủ” của nó vẫn bán được với khoản tiền lãi rất lớn thì đương nhiên phải có biện pháp để thu thuế. 

Đánh giá về hiện tượng các doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế để kinh doanh thu lợi rồi khi hết ưu đãi thuế thì rút vốn, chuyển nhượng, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là hình thức đầu tư không chân chính. Vấn đề này được xem là nút thắt, là khoảng trống khi áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư hết mức đối với doanh nghiệp FDI, nhưng lại không thể làm gì được khi các doanh nghiệp này rời bỏ thị trường.

Về lâu dài, để ngăn chặn những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai, không để doanh nghiệp chây ỳ, “câu giờ”, hay trốn thuế, thì cơ quan quản lý cần rà soát lại hệ thống luật pháp, thể chế để xem những ưu đãi nào là phù hợp, chính sách nào chưa phù hợp thì cần chỉnh sửa, cắt bỏ cho phù hợp.