Khốn đốn vì sản phẩm bị làm nhái

ANTĐ - Tại hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong môi trường toàn cầu” do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ tổ chức mới đây, doanh nghiệp đã đồng loạt lên tiếng “kêu cứu” khi những sản phẩm thương hiệu của họ bị nhái tràn lan. 

Hàng nhái, hàng giả tràn ngập ở mọi ngành hàng (ảnh minh họa)

Hàng nhái ngày càng tinh vi

Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn hiện có 3 dòng sản phẩm chính thì có 2 dòng sản phẩm bị làm giả, đó là giấy cuộn Sài Gòn Extra và khăn ăn cao cấp Bless you. Theo ông Nguyễn Thế Vũ, phòng Phòng chống hàng giả của Công ty Giấy Sài Gòn, chỉ trong một năm qua, công ty cùng các cơ quan chức năng của nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Bến Tre… đã phát hiện và tiến hành xử phạt hành chính một số cơ sở làm giả, nhái sản phẩm của công ty. Điển hình là các cơ sở sử dụng bao bì sản phẩm “Bless You” đã sao chép từ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng của sản phẩm Giấy Sài Gòn. Thậm chí, có công ty chỉ sản xuất keo nhưng khi các mối lái gọi tới đặt mua sản phẩm giấy thì bao nhiêu cũng có. Trên bao bì, họ sử dụng thương hiệu Giấy Sài Gòn nhưng ruột giấy xuất xứ từ Trung Quốc với giá cung cấp rẻ hơn từ 70.000 - 80.000 đồng/cây (100 cuộn).

Với Công ty TNHH TM Dược phẩm Úc Châu (Austrapharm), chỉ riêng trong năm 2011, hàng nhái đã làm ảnh hưởng ít nhất 25% doanh số của công ty. Ông Đỗ Vũ Trí, Tổng giám đốc công ty này cho biết, nhiều năm nay công ty rất mệt mỏi trong cuộc chiến chống hàng giả vì sản phẩm Lactomin plus mà công ty đang phân phối bị làm nhái quá nhiều. Điều đáng nói là hàng nhái quá tinh vi, từ mẫu mã bao bì, font chữ, màu sắc đến tên gọi đều rất giống sản phẩm chính hãng, người dùng không thể phân biệt được. “Như sản phẩm Lactomin plus bị nhái với tên Lacvitmin plus, Lactotrep plus... có màu sắc giống y khuôn sản phẩm chính hãng, đến nhân viên công ty còn bị nhầm nói chi là người tiêu dùng” - ông Trí chia sẻ. 

Tương tự, sản phẩm bút bi Thiên Long cũng đang bị làm giả rất nhiều. Qua kiểm tra đột xuất từ tháng 5-2010 đến nay, đội quản lý thị trường của nhiều địa phương đã phát hiện hàng chục vụ buôn bán bút bi Thiên Long giả. Chẳng hạn, đội Quản lý thị trường số 3 (Trà Vinh) phát hiện 2.880 cây bút bi giả sản phẩm TL-027 của Thiên Long. Đội Quản lý thị trường số 6 (Hải Dương) phát hiện 8.400 cây bút TL-027 giả trên vỏ hộp có ghi đúng tên, logo, địa chỉ của công ty. 

Tự bảo vệ mình

Hàng giả, nhái tồn tại ở hầu hết các ngành hàng, trong đó nhiều nhất là các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, đồ uống, dược và các thương hiệu nổi tiếng. Phần lớn hàng nhái là hàng tiêu dùng nhập lậu, giả mạo, ngoài chiêu thức sử dụng tên gọi gần giống với tên của sản phẩm uy tín đang bán chạy thì hiện nay, nhiều sản phẩm hàng nhái còn làm mẫu mã bao bì và logo na ná với sản phẩm chính hãng gây nhầm lẫn cho người dùng. Đa phần hàng nhái có chất lượng thấp bởi được sản xuất với công nghệ thấp, tuy nhiên giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 hàng chính hãng nên vẫn có đất số́ng. Đáng chú ý, nếu trước đây, hàng giả, hàng nhái chỉ xuất hiện sau khi sản phẩm chính hãng có thương hiệu thì nay chỉ cần “đánh hơi” thấy sản phẩm chính hãng có mặt trên thị trường và bán chạy là hàng nhái xuất hiện.

Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Đỗ Vũ Trí, các doanh nghiệp nên thực hiện việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình càng sớm càng tốt. Ông Đỗ Vũ Trí phân tích, bản thân Công ty Austrapharm cũng như nhiều công ty khác có sản phẩm bị làm nhái, nhiều khi phải âm thầm chấp nhận hoặc chọn cách tự thay đổi mẫu mã sản phẩm. Lý do vì dù có đầy đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh sản phẩm chính hãng của mình nhưng nếu kiện các đối thủ làm nhái thì thời gian và tiền của phải bỏ ra còn lớn hơn rất nhiều việc đổi mẫu mã bao bì mới. Thực tế, chi phí bảo hộ thương hiệu và mẫu bao bì, nhãn hiệu có chi phí rất thấp so với thiệt hại về chi phí pháp lý, kiện cáo, thiệt hại về doanh số, thương hiệu. 

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ dù được sửa đổi nhiều lần nhưng chưa có cơ chế đưa các tranh chấp ra tòa án, chủ yếu dùng biện pháp hành chính nên chế tài nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tự bảo vệ mình bởi trong môi trường cạnh tranh, nếu doanh nghiệp không tạo ra thương hiệu, nhãn hiệu mới sẽ dễ bị xâm phạm.