Khởi nghiệp với cái nhìn ra thế giới

ANTD.VN - Số doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký tìm hiểu phương thức đầu tư và mở rộng thị trường thông qua cửa ngõ Singapore tăng đột biến tới hơn 5 lần trong năm 2016 so với 2015, theo số liệu của Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư VietCham (Vietnam Chamber of Commerce, www.vietcham.org.sg) tại Singapore. Dường như có một xu hướng mới đang phát triển trong lòng phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam.

Để làm rõ thêm về xu hướng này, ANTĐ xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Singapore (Vietnamese Association in Singapore, www.vas.sg), Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư VietCham tại Singapore, cố vấn chiến lược cho nhiều tập đoàn và doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam và Singapore.

Chuyển biến trong tầm nhìn

Trong vài năm vừa qua, khởi nghiệp đã trở thành một phong trào và chủ đề nóng hổi trong giới trẻ Việt Nam. Hàng loạt sự kiện lớn nhỏ được tổ chức. Các trung tâm đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cũng như các vườn ươm doanh nghiệp mọc lên khắp các tỉnh thành phố lớn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang từng bước trưởng thành và chuyển biến từ chất lượng sản phẩm dịch vụ tới tầm nhìn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp không còn chỉ tập trung vào việc xây dựng sản phẩm dịch vụ bước đầu mà còn có cái nhìn xa hơn và sớm hơn ra thị trường toàn cầu thông qua Singapore hay Hongkong. 

Điều này có thể được lý giải từ tầm nhìn của các sáng lập viên các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian gần đây. Nhìn chung họ được tiếp cận sớm hơn với văn hóa phương Tây, có cái nhìn hiện đại hơn, quan tâm tới tình hình kinh tế chính trị toàn cầu hơn, sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ, đọc và nghiên cứu các sách vở tài liệu khởi nghiệp từ thế giới phương Tây một cách thường xuyên hơn, dám nghĩ, dám làm, dám tham gia các sự kiện khởi nghiệp trên trường quốc tế để kêu gọi vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, họ khôn ngoan lựa chọn các cửa ngõ lợi thế không xa Việt Nam về vị trí địa lý nhưng lại có sẵn các điều kiện chín muồi như môi trường kinh doanh thân thiện, sự hỗ trợ của chính phủ và việc sử dụng quyền lực mềm để dỡ bỏ những rào cản vô hình đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là sự tham gia nghiêm túc của chính phủ vào cuộc chơi khởi nghiệp. 

Trong khi đó, Singapore là một quốc gia được đánh giá có môi trường kinh doanh thân thiện, thường xuyên được xếp là một trong số những thành phố dễ dàng nhất trên thế giới để bắt đầu công việc kinh doanh, dù có những quy định chặt chẽ, nhưng được trình bày rõ ràng và dễ dàng thực thi.

Khởi nghiệp với cái nhìn ra thế giới ảnh 2Vườn ươm doanh nghiệp Việt tại Singapore

Bước chân ra thị trường thế giới

Các công ty mới có thể được thành lập dễ dàng chỉ sau vài giờ, nếu không nói là vài phút, các tài sản sở hữu trí tuệ được tôn trọng và bảo vệ, luật pháp của Singapore vô cùng minh bạch. Năm 2016 là năm thứ 11 liên tiếp Singapore đứng đầu trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh hàng năm của Ngân hàng Thế giới và đảo quốc Sư tử được mệnh danh là “Thung lũng  Silicon của châu Á”. Với những thế mạnh đó, Singapore có được vị thế độc nhất vô nhị ở châu Á để có thể mang đến sự thịnh vượng và phát triển cho các doanh nghiệp non trẻ.

Xu hướng mới khởi nghiệp với tầm nhìn quốc tế nếu được sự hỗ trợ đúng lúc sẽ mở ra chân trời mới cho doanh nghiệp Việt.

Khi bước chân ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có một số mục đích khác nhau. Thứ nhất, họ tìm kiếm một loại hình sản phẩm hay dịch vụ chưa có ở Việt Nam và tìm cách đưa về phục vụ cho thị trường nội địa. Chuỗi bánh xu kem Chewy Junior của Singapore hay chuỗi trà sữa trân châu Ding Tea của Đài Loan là một số ví dụ.

Quan trọng hơn, một số doanh nghiệp khởi nghiệp ra khỏi biên giới Việt Nam để tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới, nhất là trong mảng dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin. Công ty Way4SME của Kỹ sư CNTT Phan Phi Long tại Singapore là một điển hình. Từ một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ, nay công ty đã có hơn 40 kỹ sư, cung cấp dịch vụ CNTT cho hơn 1000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại quốc đảo Sư tử này.

Kỹ sư - doanh nhân trẻ Phan Phi Long tâm sự: “Thị trường thì sẵn có. Nhưng điều khác biệt tôi tìm được ở Singapore là sự đồng hành và tận tâm của Chính phủ Singapore trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công”.   

Thực tế là Singapore không phải luôn như vậy. Trước đây, Singapore chỉ có vài ba quỹ đầu tư lớn ra đời cách đây vài chục năm và thường chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp đã trưởng thành, hoạt động được vài năm và nhận đầu tư lớn 1-5 triệu USD, còn các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu chỉ cần vài chục đến vài trăm nghìn USD thì không mấy quan tâm. Điều chính yếu là Chính phủ Singapore sớm nhận ra tầm quan trọng của làn sóng khởi nghiệp, điều cần thiết cho sự thay đổi trong tương lai của đất nước và đã có những thay đổi kịp thời.

Cần cơ chế đặc thù và chính sách hỗ trợ

Về phía Việt Nam, theo cuốn sách “Pháp lý trong kinh doanh” của  luật sư Nguyễn Văn Lộc: “Tính tới năm 2016, Việt Nam chưa có văn bản quy định cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà chỉ đồng nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có các điều kiện kinh tế, thủ tục hành chính, cơ chế đặc thù nào để hỗ trợ. Do đó, cộng đồng các nhà khởi nghiệp cần tiếp tục vận động để các chủ trương của chính phủ thể hiện bằng văn bản thi hành và áp dụng vào thực tế”. 

Một trong các cơ chế đặc thù cần được quan tâm hàng đầu là các chính sách giúp đỡ và hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiến ra thị trường toàn cầu sớm hơn, nhanh hơn, mạnh hơn. Tại Singapore, tổ chức International Enterprise là một tổ chức của Chính phủ Singapore chuyên trách  hỗ trợ cho doanh nghiệp Singapore tiến ra thị trường toàn cầu bằng các chính sách hỗ trợ việc mở công ty, thuê văn phòng hay thuê nhân lực tại nước ngoài. 

Hiện nay tại Singapore, Hiệp hội người Việt Nam tại Singapore và Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư VietCham đã thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Việt được bảo trợ bởi Hiệp hội và Quỹ đầu tư của người Việt (Regulus Investment and Capital Holdings).

Tại vườn ươm này, các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí hoạt động mà còn được sự tư vấn hướng dẫn của Hiệp hội cũng như các nhà đầu tư của Quỹ về việc thành lập và vận hành doanh nghiệp tại Singapore.

“Vườn ươm doanh nghiệp Việt Nam tại Singapore là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, đặc biệt là các startup Việt Nam đang cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước sở tại cũng như các quỹ đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiên thần (Angel Investors) luôn tạo cơ hội cho những startup phát triển trên cơ sở tiềm năng kinh doanh của người khởi nghiệp. Việc các doanh nghiệp có được môi trường Vườn ươm tại Singapore sẽ có cơ hội tiếp các nguồn vốn tín dụng của Chính phủ Singapore hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như các ưu đã khác về thuế, chính sách hỗ trợ về sở hữu trí tuệ” - ông Lương Hoàng Hưng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam đánh giá.