Khởi nghiệp sáng tạo - con đường mới bao giờ cũng chông gai

ANTD.VN - Năm 2014, khi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông nổi đình nổi đám trên toàn thế giới, nhiều nhận định lạc quan đã cho rằng, đó là thời điểm thuận lợi để chúng ta tham gia vào cuộc đua công nghệ, thiết lập một “thung lũng Sillicon” tại Việt Nam. Những hy vọng về một Việt Nam công nghệ chưa từng nguội lạnh mà ngày càng sôi sục trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp sáng tạo rộn rã khắp cả nước, nhưng con đường đến đích còn khá nhiều chông gai.

Khởi nghiệp thành công là chặng đường đầy chông gai

Khát vọng, ý chí còn cách xa hành động

Chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2019 (lần thứ 4) với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp” mới diễn ra, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện trên cả nước có chưa đến 10% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Theo VCCI, hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát yếu trong khâu tìm kiếm khách hàng, 42% doanh nghiệp phá sản do vấn đề sản phẩm (tạo ra các sản phẩm mà thị trường không cần). Trong khi đó, kinh nghiệm của các nước cho thấy nên tập trung vào nghiên cứu phát triển sản phẩm để doanh nghiệp khởi nghiệp hạn chế rủi ro, tăng được số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Dẫn nguồn một khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết thêm, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng. “Khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Chúng ta cần nhiều sự hỗ trợ của thể chế, chính sách, để tiến gần hơn tới hành động” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

 Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và đầu tư của Australia (Austrade) mới công bố cũng cho biết, hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển qua 3 giai đoạn: làn sóng đầu tiên (2004 - 2007); làn sóng thứ hai (2007 - 2010); và làn sóng thứ ba (2011 đến nay). Trong đó, riêng làn sóng thứ ba, Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng start-up. Nếu như năm 2012, số lượng doanh nghiệp start-up chỉ là 400 doanh nghiệp thì đến năm 2015, con số này đã lên tới gần 1.800 và 3.000 trong năm 2017.

Cùng với đó, các không gian làm việc chung (co-working space), vườn ươm khởi nghiệp (Incubator) và tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) cùng các chương trình cho cộng đồng khởi nghiệp cũng bùng nổ từ 2016. Báo cáo cho rằng, hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam tạo cơ hội đặc biệt cho các nhà đầu tư công nghệ. Việt Nam hiện có nhiều thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp ở lĩnh vực này như: sự khuyến khích của Chính phủ; dân số trẻ; tỷ lệ người am hiểu công nghệ và hoạt động kỹ thuật số cao. Báo cáo của Austrade cũng chỉ ra 5 thách thức cơ bản của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam là: khả năng tiếp cận tài chính; tài năng và kỹ năng điều hành; hệ sinh thái phân mảnh; khả năng nghiên cứu và phát triển; vấn đề sở hữu trí tuệ. 

Theo ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), hiệu quả của phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam chưa cao không chỉ do những nguyên nhân trên, mà xét về chủ quan, nhiều người Việt Nam có đam mê khởi nghiệp rất lớn, nhưng đáng tiếc, đam mê này cũng “tắt” rất nhanh. “Lý do vì sao tinh thần khởi nghiệp cao như vậy? Trong nhiều năm tăng trưởng kinh tế thấp rồi sau đó tăng trưởng kinh tế cao đưa đến kỳ vọng vào tương lai rất tốt đẹp. Tin tưởng ngày mai giàu hơn hôm nay và do đó, khi càng lạc quan thì tỷ lệ thất bại càng cao hơn. Con số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công có thể thấp hơn rất nhiều so với con số công bố” - ông Nguyễn Tú Anh nói.

Bệ đỡ nào cho khởi nghiệp?

Nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tháng 5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Mục tiêu chính của đề án là tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Phong trào khởi nghiệp đang diễn ra ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, song trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đột phá ở mọi lĩnh vực dường như đều phải có liên quan tới công nghệ. Công nghệ sẽ được ứng dụng trong nông nghiệp, trong giao thông vận tải, trong giáo dục… để xây dựng một xã hội số, một nền kinh tế số và tiến tới là một quốc gia số. Những dự án khởi nghiệp công nghệ là nòng cốt của khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, trong năm 2020, xu hướng khởi nghiệp chủ yếu sẽ là: Công nghệ nhận dạng giọng nói, trí tuệ nhân tạo (AI), blookchain, dữ liệu lớn (Big data)… Những star-tup nắm được xu thế này sẽ có cơ hội rộng mở hơn. 

Hiện nay, các dự án khởi nghiệp sáng tạo chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Tại Hà Nội đã có nhiều chính sách thúc đẩy khởi nghiệp trong những năm gần đây. Năm 2017, Hà Nội thành lập Vườn ươm doanh nghiệp, đến nay đã có nhiều dự án thuộc nhiều lĩnh vực trong vườn ươm này kêu gọi đầu tư và đang có chiều hướng tích cực.

Mới đây nhất, tháng 9-2019, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt và ban hành đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025”, trong đó ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến 2025, hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Ông Phạm Ngọc Huy - Giám đốc chương trình thúc đẩy kinh doanh của Vietnam Sillicon Valley (VSV) cho rằng, để nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) chuyên nghiệp, start-up địa phương cần tìm đến những chuyên gia cố vấn phù hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp của mình đang hoạt động những người này phải hiểu rõ sản phẩm địa phương, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những khó khăn từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh.

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo để chuyển đổi số thành công 

Khởi nghiệp sáng tạo - con đường mới bao giờ cũng chông gai ảnh 2

“Cơ hội đang đến. Vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số này? Đó là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Là các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh, thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Chúng ta sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số.

Một là, các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ  nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, khoảng 10-20 doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hai là, các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm, hiện chúng ta đang có hàng ngàn doanh nghiệp, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms (nền tảng) chuyển đổi số.

Ba là, các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này. Bốn là, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. Việt Nam có được hàng trăm doanh nghiệp loại này thì đã là rất thành công”.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng (Phát biểu tại ICT Summit 2019)

Thành công bắt đầu từ chữ T

Khởi nghiệp sáng tạo - con đường mới bao giờ cũng chông gai ảnh 3

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cơ hội cho rất nhiều start-up trẻ, những người nhạy bén với thị trường và am hiểu công nghệ. Các bạn trẻ bây giờ chỉ cần một ý tưởng tốt, một mục tiêu đúng đắn là có thể bắt đầu khởi nghiệp dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với thế hệ của chúng tôi.

Tôi muốn dành 3 lời khuyên cho các bạn làm start-up trẻ:

1. Hiểu mình muốn gì, khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng.

Thành công không bao giờ đến dễ dàng, đặc biệt là với người làm start-up. Hiểu mình muốn gì, kiên định với mục tiêu, với start-up quan trọng nhất vẫn là kiếm được tiền để nuôi hệ thống, bản thân cần phải có khả năng vượt khó, vượt khổ, có thể vừa làm giám đốc, vừa làm nhân viên giao hàng, bán hàng, vừa làm kế toán, vừa làm kĩ thuật. 

2. Thành công bắt đầu từ chữ T

Tôi khởi nghiệp với xuất phát điểm là một bác sĩ, có cơ hội đi nhiều nước có ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe phát triển, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đối với tôi, sản phẩm “TỐT” quyết định tới 50% thành công của một start-up. 50% thành công còn lại vẫn bắt nguồn từ chữ T - Tâm với khách hàng, Tâm với nhân viên, Tâm với đối tác.

3. Quản trị hệ thống bằng nhân trị, kỹ trị và pháp trị

Các bạn trẻ start-up với nền tảng công nghệ tốt có thể sử dụng kỹ trị để quản lý doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và tiết kiệm thời gian. Nhân trị để thu phục con người với tiêu chí lấy nhân nghĩa là gốc. Pháp trị lấy luật lệ làm gốc để rèn luyện tính kỉ luật”.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Tổng Giám đốc Tập đoàn y tế Phương Đông và MaxCare Home