Khó giảm lãi suất ngân hàng

ANTD.VN - Trong khi lãi suất cho vay vẫn chưa giảm thì việc một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất huy động thời gian qua khiến giới doanh nghiệp hết sức lo ngại. 

Khó giảm lãi suất ngân hàng  ảnh 1Hàng loạt yếu tố tác động khiến lãi suất cho vay khó giảm

Lãi suất huy động nhích dần 

Thời gian vừa qua, thị trường tiếp tục chứng kiến việc các ngân hàng thương mại rục rịch tăng lãi suất huy động. Dù mức tăng không lớn nhưng theo các chuyên gia, các ngân hàng sẽ “nhìn nhau” để điều chỉnh. Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm được dự báo sẽ tiếp tục nhích lên trong giai đoạn từ nay tới cuối năm. Đây là diễn biến theo quy luật thông thường bởi nhu cầu vốn trong giai đoạn này thường tăng mạnh. 

Đầu tháng 9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố biểu lãi suất tiền gửi mới. Lãi suất mới tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng từ 4,8%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn 2 tháng từ 5%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 5,2%/năm lên 5,3%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 7,7%/năm được ngân hàng này áp dụng đối với kỳ hạn 36 tháng.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) cũng điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ. Trong đó, kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất mới là 7,1%/năm sau khi tăng 0,1%. Kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 8,2%/năm khi khách gửi 18 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm online cũng kỳ hạn này sẽ nhận mức lãi suất 8,3%/năm. 

Tương tự, một số ngân hàng cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động như Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) áp dụng mức lãi suất cao nhất 7,7%/năm cho kỳ hạn 15 tháng, hay Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) áp dụng lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm thông thường khi khách hàng tham gia chương trình quà tặng 2016...

Việc lãi suất huy động tăng khiến giới doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Ông Trịnh Việt Hùng, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh hàng nội thất cho biết: “Từ nay tới cuối năm, chúng tôi dự định vay khoảng 2 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Mức lãi suất dài hạn hiện vào khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động như thế này, lãi suất cho vay kiểu gì cũng tăng theo và chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Lãi thấp, người dân không gửi tiền

Đánh giá tình hình thị trường tiền tệ 8 tháng đầu năm, đại diện một số ngân hàng thương mại cho rằng, lãi suất huy động chưa giảm được khi lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, thanh khoản dồi dào. Nguyên nhân chủ yếu là do các ngân hàng giảm thị phần, dư thừa thanh khoản tạm thời. Tuy nhiên, nhu cầu vốn vay từ hệ thống ngân hàng, kể cả vốn vay trung và dài hạn đã khiến các ngân hàng vẫn cạnh tranh nguồn vốn huy động.

Phân tích rõ hơn lý do các ngân hàng tăng lãi suất huy động, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: “Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động có tính chất cục bộ. Nguyên nhân là do các ngân hàng này thực hiện cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 50%”.  

Ngoài ra, việc dư nợ tín dụng đang có xu hướng tăng lên cũng là lý do khiến các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi. Theo thống kê của NHNN, tính đến 31-8, tín dụng toàn ngành tăng 9,67%, trong đó tín dụng bằng VND tăng 10,76%. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức 4-4,5% và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của ngân hàng đang là 5,5%, nếu hạ xuống quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền. Bên cạnh đó, nhu cầu huy động vốn từ nay đến cuối năm vẫn ở mức cao do ngân hàng phải chuẩn bị nguồn lực đẩy mạnh tín dụng. Thanh khoản các ngân hàng đang khá tốt nhưng không phải quá dồi dào, nợ xấu còn tồn đọng nhiều... Tất cả những yếu tố đó khiến lãi suất sẽ không giảm đại trà được. Hiện nay, các ngân hàng đều phân rõ các đối tượng cho vay, trong đó nhóm đối tượng có tín nhiệm cao sẽ nhận được nhiều ưu đãi, đặc biệt là lãi suất. Trong khi nhóm có mức tín nhiệm thấp sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn mặt bằng chung từ 1-2%. 

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chủ trương giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng việc giảm không dễ. Với những biến động thực tế, các ngân hàng cũng phải cân nhắc hết sức thận trọng nên mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó giảm.