Khó có "cuộc đua" giảm lãi suất cho vay giữa các ngân hàng

ANTD.VN - Cuối năm, theo thông lệ các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm. Thế nhưng năm nay, nhiều ngân hàng lớn đã quyết định hạ lãi suất huy động khoảng 0,1-0,2 điểm %. Liệu đây có phải là bắt đầu của một cuộc đua giảm lãi suất cho vay? 

Những động thái trái ngược

Khảo sát thị trường cho thấy hiện các ngân hàng đang có hai xu hướng trái ngược nhau trong điều chỉnh lãi suất huy động. Lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank... chỉ khoảng 4,3-4,5%/năm, lãi suất kỳ hạn dài chỉ khoảng 6,5%/năm. Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Khối ngân hàng thương mại Nhà nước có thể kể đến như BIDV điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,3% xuống 0,2%; kỳ hạn 36 tháng giảm 0,2%, từ mức 7%/năm xuống 6,8%/năm. Agribank cũng giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5% xuống 0,3%.

Ở khối ngân hàng cổ phần, Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) áp mức lãi suất huy động mới giảm 0,05% đối với kỳ hạn 1-5 tháng; giảm 0,1% với các kỳ hạn 13 và 18 tháng. Sacombank cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn: kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng cùng giảm 0,1% xuống tương ứng 4,9% và 5,2%/năm.

Ngược lại, các kỳ hạn dài từ 15-36 tháng được ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,2% lên 7%. Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ, lãi suất lại có xu hướng tăng. Kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn kịch trần 5,5%/năm trong khi kỳ hạn dài lên tới 7,5 - 8%, cao hơn lãi suất tại các ngân hàng lớn khoảng 1 - 1,5%/năm.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay trung bình đã giảm từ 0,3-0,5 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là diễn biến khác so với mọi năm, điều này cho thấy thanh khoản dồi dào, các ngân hàng hoàn toàn chủ động về vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất của thị trường.

Nhìn nhận về xu hướng này, TS. Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, đợt giảm lãi suất lần này của một số ngân hàng có tạo một chút ngạc nhiên trên thị trường vì theo thông lệ hàng năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay dịp cuối năm đều tăng.

Theo TS. Bùi Quang Tín, động thái trên xuất hiện tại một số ngân hàng chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn huy động và cho vay một cách hợp lý hơn. Ngoài ra, việc hạ lãi suất huy động lần này được xem là cách có thể giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường tài chính ngày càng khốc liệt vào dịp cuối năm.

Điều này cũng dễ nhìn thấy là việc hạ lãi suất lần này chỉ tập trung ở các ngân hàng có thị phần và tình trạng thanh khoản tốt.

Khó trở thành xu hướng chung

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái giảm lãi suất huy động dù gây bất ngờ, song chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng và một số kỳ hạn nhất định và sẽ khó trở thành xu hướng chung những tháng cuối năm. Nguyên nhân do mặt bằng lãi suất ngân hàng đang chịu nhiều áp lực, mà theo TS. Bùi Quang Tín có thể kể đến 5 áp lực chính.

Thứ nhất là tỷ giá đồng USD. Thời gian gần đây, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá theo xu hướng tăng cùng với diễn biến đi lên của đồng USD trên thị trường quốc tế. Hiện chỉ số USD Index đã vượt mốc 100 và đang ở mức cao nhất kể từ năm 2002 trở lại đây. Theo dự báo của các chuyên gia, tỷ giá được kỳ vọng sẽ tiếp tục điểu chỉnh cao hơn nữa.

“So với việc mất giá của các đồng tiền trong rổ tiền tệ để tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam, sự mất giá của VNĐ vẫn còn khá khiêm tốn, đưa đến kỳ vọng tỷ giá có thể tiếp tục điều chỉnh lên cao hơn nữa. Điều này có thể kích thích tâm lý đầu tư lẫn đầu cơ đồng USD”, TS. Bùi Quang Tín cho biết.

Với việc tỷ giá có xu hướng tăng, sự dịch chuyển tiền gửi từ tiền VNĐ sang USD có thể tiếp tục diễn ra, buộc các ngân hàng thương mại phải xem xét điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền đồng để tăng sức hấp dẫn.

Áp lực thứ hai là lạm phát khi những tháng cuối năm tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng mạnh hơn, có khả năng vượt mục tiêu 5% của NHNN. Đến hết tháng 11-2016, lạm phát đã đạt mức tăng 4,5% so với cuối năm 2015.

Xu hướng tăng lên của lạm phát sẽ khiến NHNN thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ và do đó xu hướng hạ lãi suất trong những lần gần đây, đặc biệt là kể từ khi có Chỉ thị 04 của NHNN nhiều khả năng sẽ dừng lại.

Thứ ba là thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng chững lại, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng trên các kỳ hạn. Việc tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng chứng tỏ thanh khoản trên thị trường này đã trở nên không còn dồi dào như trước và NHNN cũng hạn chế việc cung tiền thông qua kênh tín phiếu NHNN. Từ đó, tình trạng thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng sẽ ít có khả năng hỗ trợ tốt cho thị trường 1 (hoạt động huy động và cho vay giữa các NHTM và người dân).

Thứ tư là áp lực từ mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi mà tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt gần 14,7% so với cuối năm 2015, trong khi mục tiêu cả năm là 18-20%/năm.

“Việc tăng này là không hề dễ dàng vì theo thông lệ hàng năm thì mức tăng trưởng tín dụng của các tháng cuối năm chỉ khoảng 2%/tháng. Nhưng nếu các ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu này thì nhiều khả năng sẽ làm cho tình trạng thanh khoản trở nên căng thẳng, từ đó gây áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay”, TS. Bùi Quang Tín nhận định.

Ngoài ra, một áp lực rất rõ ràng đó là từ thị trường kinh tế, tài chính thế giới khi hầu hết các dự báo đều cho rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào giữa tháng 12 tới...

Lãi suất cho vay liệu có giảm?

Lãi suất huy động giảm được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, theo Báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2016, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại cho rằng, các điều kiện để giảm lãi suất trong những tháng cuối năm đang bớt thuận lợi hơn khi CPI tăng nhanh trở lại kể từ tháng 10; lãi suất của USD gần như chắc chắn tăng vào cuối tháng 12; lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng khoảng 0,5% ở các kỳ hạn.

Cùng nhận định này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, rất khó để lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong những tháng cuối năm, dù cuộc đua tín dụng giữa các ngân hàng đang rất quyết liệt.

“Lãi suất huy động chỉ giảm ở một số ngân hàng chứ khó trở thành xu thế chung. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay lạm phát tương đối cao, nợ xấu chưa xử lý triệt để thì lãi suất cho vay sẽ khó giảm. Ngoài ra, hiện nay lãi suất cho vay không phải là vấn đề đối với các ngân hàng, vì mức lãi suất hiện tại đã tương đối thấp so với những năm trước rồi”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Nhận định này dường như có căn cứ khi thời điểm hiện tại không thấy ngân hàng nào có dấu hiệu sẽ giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, bù lại để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cuối năm, các ngân hàng đều đưa ra những khuyến mại đối với người vay nhằm giành khách hàng về phía mình.