Khi trả góp thành "miếng mồi ngon" của con nợ

ANTĐ - Lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục mua trả góp, nhiều con nợ đã bị chủ nợ xúi mua hàng trả góp. Khi có được món hàng có giá trị trong tay, con nợ phải chuyển cho chủ nợ để trừ số tiền nợ, bất chấp việc sau đó mình có trả được nợ cho công ty tài chính hay Không.

Khi trả góp thành "miếng mồi ngon" của con nợ ảnh 1Rất nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn hình thức mua hàng trả góp

Lãi suất cao nhưng vẫn phải mua

Không giống như vay nợ ngân hàng, tiền lãi sẽ được giảm trừ khi khách hàng đã trả được tiền gốc, đối với việc mua hàng trả góp, mỗi tháng người mua hàng phải trả một số tiền cố định. Do đó nếu chọn hình thức trả trong thời gian dài từ 12-24 tháng, người mua phải trả lãi suất rất cao, mức cao nhất có thể lên tới 60-70%/năm. Ví dụ, nếu mua trả góp trong vòng 12 tháng chiếc điện thoại di động iPhone SE 64GB ở trung tâm T với giá bán 14.490.000 đồng, trả trước 30% tương đương khoảng 4.347.000 đồng, mỗi tháng tiếp theo khách hàng phải trả góp 1.033.000 đồng. Với mức trả góp này, khi thanh toán hết tiền, khách phải trả thêm số tiền chênh lệch là 2.255.000 đồng, chiếm khoảng 15% so với giá trị thực của chiếc điện thoại. 

Các công ty tài chính bắt tay với các hệ thống siêu thị điện máy thường đưa ra hình thức vay trả góp với thủ tục đơn giản, tiện lợi. Không cần kèm theo bất cứ tài sản, giấy tờ có giá trị nào để thế chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân, bằng lái xe và hộ khẩu, khách hàng đã có thể được làm thủ tục cho vay trả góp và thời gian để được duyệt hồ sơ không quá 24 giờ. Với việc mua hàng trả góp, tùy vào số tiền và thời gian vay của người tiêu dùng mà mỗi đơn vị kinh doanh áp dụng các mức lãi suất khác nhau, từ 20-70%/năm. Số tiền vay càng lớn, thời gian vay càng dài, lãi suất mà khách phải trả càng tăng.

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, lãi suất mua trả góp không giảm theo số dư nợ như vay thông thường, nên nếu thời gian vay càng dài thì mức lãi người tiêu dùng trả càng nhiều. Vì vậy, trước khi quyết định mua, người tiêu dùng cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp, cũng như tổng số tiền phải trả.

Hiện nay, có nhiều người do nợ một số tiền lớn nên để giảm áp lực với chủ nợ một số con nợ đã tìm đến việc mua trả góp như một giải pháp tạm thời. Anh Nguyễn Hùng Cường (trú ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Do chơi lô đề cá độ bóng đá trong một thời gian dài khiến tôi phải nợ một người cho vay lãi gần 300 triệu đồng. Số tiền đó tuy không nhiều đến mức phải bán nhà nhưng cũng không hề dễ trả với đồng lương công chức.

Dưới áp lực của chủ nợ, tôi đã đến một siêu thị điện máy gần nhà mua trả góp chiếc tivi có giá trị khoảng 50 triệu đồng, trả góp trong khoảng thời gian 12 tháng. Sau khi tôi mua chiếc tivi, chủ nợ đã đến lấy luôn và giảm cho tôi 50 triệu đồng trong số nợ. Tôi biết với mức lãi suất của công ty tài chính cũng khá cao nhưng dù sao nhân viên thu nợ cũng lịch sự hơn dân anh chị xã hội nên tôi vẫn phải chấp nhận”

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Ngân hàng - trường Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ, nếu tính về số tiền góp hàng tháng mà người vay bỏ ra thì không nhiều nhưng tính về tỷ suất thì quá cao. Mức lãi suất mà các công ty áp dụng cũng ngang ngửa lãi suất mà các cửa hàng cầm đồ cho vay nặng lãi áp dụng. Vì thế khi đã ôm một món nợ thay thế, không phải con nợ nào cũng có thể trả được, dù đó chỉ là số tiền vài triệu đồng/tháng.

Dễ phát sinh các khoản nợ xấu

Nguyễn Công Hoàng, nhân viên thu nợ Công ty ACS cho biết: Với những món nợ hơn 50 triệu đồng mà khách hành không trả thì công ty cũng đành đi trình báo cơ quan công an vì đó là số tiền lớn. Thực chất với các công ty kinh doanh như ACS, việc trình báo cơ quan công an là bất đắc dĩ, điều họ cần là khách hàng trả đủ tiền chứ không muốn khách hàng bị xử lý hình sự. Do đó, nhân viên thu nợ thường tìm mọi cách động viên khách hàng trả nợ một cách lịch sự nhất. 

Đối với những trường hợp cầm cố tài sản mua hàng trả góp cho chủ nợ thì đó đều là những người không còn khả năng chi trả, căn cứ theo giấy tờ mà khách hàng cung cấp, nhân viên thu nợ thường tìm đến người thân của khách hàng, may vớt vát được chút vốn, còn nếu không đành phải chấp nhận từ bỏ số tiền đó, coi như rủi ro trong kinh doanh. “Cũng may số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong số khách hàng mua trả góp nên cũng không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty nhưng cũng tạo tiền lệ xấu cho hoạt động mua bán trả góp đang nở rộ như hiện nay” - anh Nguyễn Công Hoàng chia sẻ.

Trên thực tế, theo chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm, rất ít trường hợp trình báo về việc mua hàng trả góp mà không thanh toán tiền, hoặc nếu có trình báo thì lực lượng công an không phải lúc nào cũng giải quyết được vì việc cho vay tín chấp là giao dịch dân sự. Khi người mua hàng trả góp không trả tiền nhưng không bỏ trốn thì không bị coi là thực hiện hành vi lừa đảo.

Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Văn Dũng, Công ty Luật hợp danh Bross và cộng sự cho rằng, với thỏa thuận vay mua hàng trả góp được xem là thỏa thuận dân sự. Nếu trong trường hợp người mua hàng trả góp không thanh toán đầy đủ theo quy định, bên bán có quyền lấy lại tài sản. Trong trường hợp người mua không còn tài sản cũng rất khó định khung hành vi này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Về khách quan, phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, đó là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Trong khi đó, đối với việc mua hàng trả góp, người mua phải đưa ra được hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hóa đơn điện nước của chính gia đình mình, thậm chí với khoản vay từ 50 triệu trở lên phải có người của công ty tài chính đến tận nhà xác minh tài sản như có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngôi nhà mà khách hàng đang ở... Cho nên rất khó để chứng minh hành vi không thanh toán số tiền trả góp là hành vi lừa đảo. Đối với chủ nợ cũng không có điều khoản nào quy kết tội “xúi con nợ mua hàng trả góp”. 

Kích cầu trong kinh doanh là cần thiết đối với các doanh nghiệp. Hiện nay, hình thức mua hàng trả góp ngày càng phát triển với việc nhiều công ty bắt tay với ngân hàng sẵn sàng cho khách hàng mua trả góp với lãi suất 0% trong 6 tháng, lãi suất thấp đến 24 tháng nên rất nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn phương thức mua bán này. Song việc này cũng tạo kẽ hở cho những đối tượng xấu lợi dụng mua hàng xong rồi không thanh toán tiếp.

Bản thân các công ty tài chính khi không đòi được tiền cũng nghĩ rằng đó là rủi ro không đáng kể so với việc lấy được tiền của nhiều khách hàng khác nên cũng không phòng ngừa. “Do đó, để tránh phát sinh các khoản nợ xấu, quá hạn, các công ty tài chính cần xác minh đầy đủ thông tin người mua hàng trước khi thực hiện giao dịch mua bán trả góp tránh thiệt hại cho chính mình” - chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm khuyến cáo.