Kẻ ngậm đắng, người nuốt cay

(ANTĐ) - Thời gian vừa qua, thị trường nhà đất TP Hồ Chí Minh nổi “cơn sốt” tranh mua căn hộ cao cấp. Có 3 công ty bán căn hộ “trong tương lai” là: The Vista, Sky Garden, Blue Diamond. Người mua căn hộ của các dự án này phải chen chúc xếp hàng, tranh nhau mua cho được “một suất” với giá cao ngất ngưởng, đóng tiền cọc từ 2.000-5.000 USD, được chủ đầu tư dự án cấp một giấy biên nhận và có người sau đó đã… “sang tay” cái giấy biên nhận đó hưởng chênh lệch từ 12.000-15.000USD. Và không phải cái giấy biên nhận đó có giá trị mua một căn hộ cao cấp hàng mấy tỉ đồng này chỉ “sang tay” qua một đời chủ, mà có giấy đã sang tới đời chủ thứ 4.

Kẻ ngậm đắng, người nuốt cay

(ANTĐ) - Thời gian vừa qua, thị trường nhà đất TP Hồ Chí Minh nổi “cơn sốt” tranh mua căn hộ cao cấp. Có 3 công ty bán căn hộ “trong tương lai” là: The Vista, Sky Garden, Blue Diamond. Người mua căn hộ của các dự án này phải chen chúc xếp hàng, tranh nhau mua cho được “một suất” với giá cao ngất ngưởng, đóng tiền cọc từ 2.000-5.000 USD, được chủ đầu tư dự án cấp một giấy biên nhận và có người sau đó đã… “sang tay” cái giấy biên nhận đó hưởng chênh lệch từ 12.000-15.000USD. Và không phải cái giấy biên nhận đó có giá trị mua một căn hộ cao cấp hàng mấy tỉ đồng này chỉ “sang tay” qua một đời chủ, mà có giấy đã sang tới đời chủ thứ 4.

Cái gì bất bình thường cũng có vấn đề. Quả nhiên, không ngoài dự đoán của dư luận, mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã buộc các chủ đầu tư các dự án trên phải trả lại tiền đặt cọc mua căn hộ cao cấp cho khách hàng vì đây là hình thức huy động vốn, vi phạm luật. Điều 39 và 93 Luật Nhà ở quy định các chủ đầu tư muốn huy động vốn từ việc bán căn hộ cho khách hàng thì các dự án đó phải làm xong phần móng, hạ tầng kỹ thuật. Nhưng cả 3 dự án nêu trên chỉ mới xong phần mặt bằng, nghĩa là các căn hộ bán ra còn nằm…. trên giấy.

Khi có quyết định của Sở Xây dựng, nói chung các chủ đầu tư đều chấp hành, họ hứa sẽ trả lại đủ tiền cho khách hàng. Vấn đề là trả như thế nào và khách hàng có đồng ý nhận lại tiền hay không. Cũng như những trường hợp “sang tay” cái giấy biên nhận (mà phần lớn là thỏa thuận miệng, hoặc giấy tay) sẽ giải quyết ra sao?

Chen chúc nhau nhưng...

Chen chúc nhau nhưng...

Tổng số tiền khách hàng đặt cọc mua các căn hộ cao cấp của 3 dự án: The Vista (Công ty Capytaland), Sky Garden (Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng), Blue Diamond (Công ty cổ phần Vạn Phát) là 700 tỉ đồng. Công ty The Vista đã bán ra thị trường trên 550 căn hộ, số tiền đặt cọc ước tính khoảng 1,5 triệu USD, Công ty Phú Mỹ Hưng dự kiến bán ra 1.458 căn hộ trong 4 đợt. Chỉ riêng đợt 1, ngày 4-11 có 330 người bắt trúng thăm mua căn hộ và đã đóng mỗi người 10% tiền đặt cọc. Công ty Vạn Phát thì số lượng bán căn hộ ra ít hơn, đợt rồi bán qua mạng, chỉ có 180 khách hàng đặt cọc với số tiền 30 triệu đồng/căn hộ.

Với việc “bắt giò” của Sở Xây dựng đối với các chủ đầu tư 3 dự án căn hộ cao cấp nói trên, buộc họ phải trả lại tiền cho khách hàng vì vi phạm luật thì đã rõ. Và cũng chính vì biết mình vi phạm luật nên các doanh nghiệp trên đã “vui vẻ” trả lại tiền cho khách hàng, chỉ còn chờ quyết định cuối cùng của UBND TP.HCM. Nhưng vấn đề rắc rối ở chỗ, khi hợp đồng mua căn hộ, các chủ đầu tư đã tính toán rất kỹ phần lợi cho mình khi xảy ra sự cố.

Còn phần thiệt tất nhiên chủ đầu tư đẩy về phía khách hàng. Ví dụ: Chủ đầu tư sẽ hoàn trả lại đủ số tiền khách hàng đặt cọc mà không tính lãi suất tới thời điểm trả. Thứ hai, với những trường hợp “sang tay” cái giấy biên nhận đặt cọc qua nhiều “đời chủ”, nhà đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm mà chỉ có những người mua bán căn hộ “trong tương lai” theo kiểu “đa cấp” giải quyết với nhau.

... phần thiệt hại luôn thuộc về khách hàng

... phần thiệt hại luôn thuộc về khách hàng

Nếu không giải quyết được thì ra tòa, mà tòa thì căn cứ theo “án tại hồ sơ”, trong khi các mảnh giấy biên nhận “sang tay” hầu như chỉ thỏa thuận bằng miệng, cả tiền chênh lệch cũng thế, tiền người ta đút túi, dễ gì đòi lại được nên những trường hợp mua bán, sang nhượng “giấy trao tay” chứ không phải “chìa khóa nhà trao tay” sẽ bị mất trắng.

Có một vấn đề rối rắm không chỉ cho khách hàng mà cho cả nhà đầu tư là: Người mua không chịu nhận lại tiền đặt cọc, vì như thế có nghĩa là đã bị từ chối mua căn hộ, và sau này muốn mua thì phải mua theo giá thị trường mà nhà đầu tư thì không dại gì để không tăng giá, thậm chí tăng gấp nhiều lần.

Theo thăm dò của chúng tôi thì cho đến hôm nay có 1 công ty trong 3 công ty chưa nhận được tín hiệu gì về phía khách hàng của họ sẽ đòi tiền lại, bởi lý do rất dễ hiểu là khách hàng cần mua căn hộ và họ không muốn đánh mất cơ hội lẫn dịp may có trong tay mảnh giấy đặt cọc căn nhà trong tương lai. Và cũng bởi vì “người đông, của hiếm”, mà cơ hội và dịp may đâu dễ đến 2 lần?

Cho nên đối với dự án mua bán các căn hộ “trong tương lai” khi mua đã rối, lúc hoàn trả tiền lại cũng… sẽ rối như tơ vò và sẽ phát sinh nhiều trường hợp “kẻ ngậm đắng, người nuốt cay” trong chuyện căn hộ cao cấp lỡ mua, lỡ bán này.

Hồ An