Hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: GDP năm 2019 của Việt Nam có thể tăng 6,9%

ANTD.VN - TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 đạt khoảng 6,9%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,6-6,8%).

Bức tranh kinh tế năm 2019 sẽ có nhiều điểm sáng

VEPR vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018. Theo đó, năm 2018, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: GDP tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, đạt 7,08%; Lạm phát kiểm soát dưới 4%.

Nhận định về tăng trưởng năm, 2019, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, chỉ tiêu về tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt mức mục tiêu 6,6-6,8% của Quốc hội đề ra, trong bối cảnh Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ khi giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới trồi sụt thất thường.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc biệt, nếu Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nma – EU (EVFTA) được chính thức thông qua, hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất.

"Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước… Thách thức cho Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi về lợi thế quy mô như Trung Quốc, Ấn Độ”- TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Lần đầu tiên, Viện trưởng VEPR cũng đưa ra nhận định, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó có thể đạt được vì thời gian còn lại quá ngắn, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng đột biến và hộ kinh doanh ngại chuyển thành doanh nghiệp do môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, còn rườm rà, nhũng nhiễu.