Hôn mê - tình trạng siêu thức

(ANTĐ) - Hôn mê là một trạng thái cực kỳ bí ẩn và phức tạp mà các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa lý giải được một cách tường tận.

Hôn mê - tình trạng siêu thức

(ANTĐ) - Hôn mê là một trạng thái cực kỳ bí ẩn và phức tạp mà các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa lý giải được một cách tường tận.

Tình trạng khẩn cấp

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hôn mê là triệu chứng do trung khu thần kinh bị ức chế nghiêm trọng, là tình trạng mất ý thức hoàn toàn và không phản hồi với mọi kích thích, là do hậu quả của những tổn thương lan tỏa tại chỗ mạng lưới hoạt động hướng lên (do chèn ép hoặc bị phá hủy), hoặc là do tổn thương não lan tỏa. Những tổn thương hướng lên có thể nằm ngay ở thân não hoặc ở bán cầu não (đặc biệt trong quá trình tụt não do tăng áp lực nội sọ).

Hôn mê - một trạng thái khoa học vẫn đang khám phá
Hôn mê - một trạng thái khoa học vẫn đang khám phá

Cần phải phân biệt hôn mê với ngất, ngất chỉ là mất ý thức thoáng qua. Hôn mê còn gặp trong ngưng hô hấp tuần hoàn, mà việc xử trí hôn mê trong trường hợp này cũng hoàn toàn khác. Việc chẩn đoán và điều trị hôn mê phải thật khẩn cấp bởi nó có thể gây ra những tác động khó lường.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng hôn mê. Trước hết là hôn mê do chấn thương tai nạn giao thông, bị đánh vào đầu, ngã từ trên cao xuống… Trong một số trường hợp mối liên quan giữa chấn thương và hôn mê khó xác định hơn ở những người có uống rượu, người già, trẻ em... người bị chấn thương cũng có thể không nhận biết được (những chấn thương nhẹ mà họ thường bỏ qua cũng có thể gây xuất huyết não).

Thiếu oxy lên não cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng hôn mê. Lúc này, hôn mê xảy ra là do não không được cung cấp đủ oxy (thiểu năng tuần hoàn não, ngạt thở...). Trong một số trường hợp, ngộ độc rượu cấp cũng khiến “khổ chủ” rơi vào hôn mê. Hôn mê thường xảy ra khi nồng độ rượu trong máu đạt 4-5 gam alcol/lít. Tuy nhiên, cũng cần phải tìm những nguyên nhân khác có thể gây hôn mê trong trường hợp ngộ độc rượu như: Hạ đường huyết, chấn thương sọ não, xuất huyết màng não…

Khi bị ngộ độc thuốc, nhiều người bị hôn mê. Đây là trường hợp hôn mê sâu, yên lặng, có thể gây suy hô hấp do ức chế trung tâm hô hấp ở não. Thường hôn mê có thể là do uống rượu kết hợp.

Mỗi giai đoạn một kiểu hôn mê

Tình trạng hôn mê được phân ra làm nhiều giai đoạn và bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê ở bất cứ giai đoạn nào. Giai đoạn 1: Còn gọi là hôn mê chập chờn với đặc điểm là người bệnh còn có phản ứng thức tỉnh (mở mắt, càu nhàu) mỗi khi bị kích thích đau. Giai đoạn 2: Biểu hiện bằng mất khả năng thức tỉnh, nhưng các cử động thì vẫn còn, chằng hạn người bệnh co chân lại khi bị cấu véo.

Giai đoạn 3: Còn gọi là hôn mê sâu, đặc điểm là mất các cử động, xuất hiện rối loạn mắt, đôi khi có rối loạn hô hấp dễ gây tử vong do không cung cấp đủ oxy cho các mô. Giai đoạn 4: Còn gọi là hôn mê vượt quá. Đây là trạng thái não chết, dẫn đến tử vong. Thông thường thì hôn mê vượt quá là hậu quả của việc ngừng tim kéo dài, chấn thương sọ não hoặc tai biến mạch máu não nặng.

Hôn mê bao giờ cũng là triệu chứng hoặc biến chứng cuối cùng của rất nhiều bệnh. Tùy theo nguyên nhân mà hôn mê có thể xảy ra đột ngột hay dần dần.

Phát hiện hôn mê thường dễ vì đó là một trạng thái bệnh lý, trong đó người bệnh mất hẳn liên hệ với bên ngoài, nhưng sự sống dinh dưỡng vẫn tồn tại cho nên chẩn đoán hôn mê có thể dựa trên 3 yếu tố “mất” (Mất vận động tự chủ; Mất trí tuệ; Mất cảm giác) và 3 yếu tố “còn” (Phổi vẫn còn thở; Tim vẫn còn đập; Bài tiết vẫn còn).

Di chứng tùy mức độ

Mức độ nặng nhẹ của hôn mê được chẩn đoán bằng việc khám thần kinh và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Hôn mê do ngộ độc có thể điều trị dứt điểm không để lại di chứng sau khi đã loại bỏ được chất độc gây bệnh. Việc thử sức mạnh của cơ bắp cũng là một trong các cách để xác định mức độ nặng nhẹ của tình trạng hôn mê bằng cách thử phản ứng với kích thích đau, các phản ứng duỗi chân, duỗi tay.

Có thể kiểm tra sự tổn thương của thân não thông qua sự vận động và phản ứng của mắt. Một số bệnh nhân còn có triệu chứng rối loạn hô hấp hoặc biểu hiện ngừng thở hoặc nhịp thở không đều đặn. Điện não đồ là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác và tìm phản ứng của bệnh nhân với kích thích. Khi họat động của não chấm dứt vĩnh viễn, người bệnh mất phản xạ mắt, ngừng thở và mất sóng não trên điện não đồ. Ngừng tim vĩnh viễn có thể xuất hiện sau vài giờ hay thậm chí vài ngày.

An Hà