Hơn 334 tỷ USD đầu tư nước ngoài làm thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam

ANTD.VN - Trải qua 30 năm, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Khu vực FDI đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội

Sáng nay (4-10), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam- Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị.

FDI góp phần thay đổi diện mạo kinh tế Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trải qua 30 năm, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tính đến tháng 8-2018, đã có hơn 26.500 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò của FDI đối với kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua (ảnh: Phú Khánh)

Đầu tư nước ngoài có đóng góp đến gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ tọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 58% tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng đầu năm 2018.

Số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Tính đến nay, khu vực FDI đã tạo việc làm cho gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể là mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng.

Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI còn khiêm tốn; Còn hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, hiệu quả sử dụng đất của các dự án FDI chưa cao…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, bối cảnh thế giới và khu vực đang có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro, thách thức. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đặt ra thách thức, đồng thời tạo cơ hội cho Việt Nam "đi tắt đón đầu", bắt kịp với các nước phát triển.

Để thích ứng với điều kiện mới này, Việt Nam có định hướng thu hút đầu tư FDI vào các ngành và lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe;

Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đàu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị; Tăng cường thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, tiếp tục thu hút FDI vào những ngành, những thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, da giày.... nhưng ưu tiên tập trung và các khâu tạo giá trị gia tăng cao.

Về địa phương, vùng, thu hút FDI phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch của từng địa phương trong liên kết vùng. Trong giai đoạn mới, Việt Nam cũng chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và các đối tác tiềm năng. 

"Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Khu vực FDI sẽ tiếp tục là một bộ phận của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển lâu dài. Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, đối xử bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI đầu tư, kinh doanh thành công, đồng thời đóng góp cho sự phát triển ngày càng thịnh vượng của Việt Nam"- Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh. 

Hà Nội tạm thời dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Hơn 334 tỷ USD đầu tư nước ngoài làm thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam ảnh 3

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu gọi đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực ưu tiên

Đánh giá cao vai trò của đầu tư nước ngoài tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay: Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Từ dự án FDI đầu tiên đầu tư vào Hà Nội năm 1989 với vốn đầu ư 48 triệu USD, đến nay, thu hút FDI vào Hà Nội liên tục tăng trưởng. Lũy kế đến tháng 9-2018, Hà Nội thu hút được 4.372 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 33, 381 tỷ USD. Thành phố Hà Nội đang tạm thời đứng đầu cả nước về thu hút FDI.  

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đầu tư trực tiếp nước ngoài còn góp phần tạo việc làm cho hơn 270.000 lao động Thủ đô, tạo ra sức ép để doanh nghiệp trong nước cải tiến sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng bộ mặt TP văn minh, hiện đại với các tổ hợp nhà ở, khách sạn, trung tâm thương mại lớn như: Keangnam, Lotte, Sheraton…

Từ những kết quả mà đầu tư FDI mang lại, TP Hà Nội chủ trương thu hút ưu tiên vào một số lĩnh vực trong giai đoạn mới là: giao thông, đô thị thông minh, hạ tầng thoát nước, môi trường; Chế biến nông lâm thủy hải sản với việc áp dụng công nghệ mới, sử dụng ít năng lượng, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng đang cần đầu tư nước ngoài là: Công nghệ thong tin, giáo dục, y tế, logistic…

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đào tạo nhân lực phải đáp ứng được nhu cầu thị trường

Thu hút đầu tư nước ngoài đã khó, làm thế nào để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài còn khó gấp nhiều lần. Nêu quan điểm về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Đồng chủ tịch Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho hay, doanh nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam vì nhân công rẻ, nhưng hiện nay, lương của người lao động Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động.

Vì vậy, Việt Nam có thể đánh mất lợi thế này trong thu hút FDI.

Đại diện VBF cho rằng, Việt Nam cần nâng cao kỹ năng cho người lao động, đào tạo nhân lực theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường, trong đó doanh nghiệp có thể tự quyết chương trình đào tạo của mình.

“Tất cả các quốc gia thành công đều phải dựa vào hệ thống giáo dục tốt, tự do hóa chương trình đào tạo. Việt Nam đang đi sau Trung Quốc, Thái Lan và Philippines về đào tạo”- đồng chủ tịch VBF nói.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Việt Nam cần cải thiện các thủ tục về thuế, hải quan, loại bỏ tiền mặt khỏi quy trình thanh toán, số hóa toàn bộ chứng từ để đảm bảo thông tin minh bạch. Đồng thời, cần đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, doanh nghiệp…”.