Hoa quả VN long đong tìm đường xuất ngoại

(ANTĐ) - Hoa quả đang vào mùa thu hoạch rộ trên cả hai miền Nam, Bắc. Nông dân cũng như doanh nghiệp lại long đong tìm nơi tiêu thụ bởi, thị trường cứ ngày một thu hẹp. Bao nhiêu năm, hoa quả Việt Nam vẫn tồn tại một nghịch lý, hoa quả trong nước dư thừa trong khi hoa quả ngoại vẫn ồ ạt nhập về.

Hoa quả VN long đong tìm đường xuất ngoại

(ANTĐ) - Hoa quả đang vào mùa thu hoạch rộ trên cả hai miền Nam, Bắc. Nông dân cũng như doanh nghiệp lại long đong tìm nơi tiêu thụ bởi, thị trường cứ ngày một thu hẹp. Bao nhiêu năm, hoa quả Việt Nam vẫn tồn tại một nghịch lý, hoa quả trong nước dư thừa trong khi hoa quả ngoại vẫn ồ ạt nhập về.

Nghịch lý hoa quả nhập khẩu

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện sản lượng hoa quả thu hoạch trong cả nước đạt khoảng 7 triệu tấn. Trong đó, chuối có sản lượng lớn nhất, sau là cam, quýt, nhãn, dứa, xoài, vải thiều… Theo đánh giá, Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về lượng hoa quả sản xuất hàng năm. Hoa quả Việt Nam hiện có mặt ở 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Đinh Văn Hương - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, lượng hoa quả Việt Nam xuất khẩu mới chỉ chiếm khoảng 10%, như vậy là quá ít so với tiềm năng chúng ta đang có, còn lại đến 90% phải tiêu thụ trong nước với giá rẻ, lợi nhuận rất thấp. Từ năm 2002 trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu hoa quả của Việt Nam tăng liên tục nhưng vẫn chiếm con số quá nhỏ so với nhiều mặt hàng nông sản khác.

Tình trạng mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu hoa quả vẫn cứ diễn ra hàng năm, hoa quả trong nước bán rẻ, nông dân chặt hạ vườn, nhưng hoa quả ngoại vẫn cứ ồ ạt vào Việt Nam.

Tỷ lệ hoa quả xuất đi một số nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… còn rất khiêm tốn. Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hoa quả chủ lực của Việt Nam. Nghịch lý ở chỗ, nhiều năm qua, hoa quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc song phải mượn tên, mẫu mã, bao bì của Trung Quốc, do đó liên tục bị ép giá.

Tiềm năng hoa quả lớn nhưng chưa được khai thác
Tiềm năng hoa quả lớn nhưng chưa được khai thác

Không chỉ từ đầu năm 2009 đến nay mà từ nhiều năm trước, xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục gặp khó khăn, trở ngại về thị trường. Mỗi đợt, cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm soát chặt hoặc do hàng hóa dồn về các khu vực biên giới nhiều, tư thương Trung Quốc lại lợi dụng để ép giá.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam lại đau đầu vì không tiêu thụ được, nông dân thì “bán đổ bán tháo” hoa quả. Từ 1-7, thực hiện chính sách kiểm soát nguồn gốc hoa quả lẫn nhau giữa hai nước, dù việc xuất khẩu vẫn khá thông thoáng song sản lượng trái cây xuất sang thị trường Trung Quốc đang giảm đáng kể.

Đó còn chưa kể, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu giảm sút, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã trà trộn hàng kém chất lượng, dư lượng không đảm bảo vào các lô hàng. Sau khi bị phát hiện, nhiều thị trường đã đóng cửa với một số loại trái cây Việt Nam. Điển hình là quả thanh long Bình Thuận, cũng do làm ăn không đúng cam kết, hiện thanh long muốn xuất vào Mỹ bắt buộc phải qua chiếu xạ. Nhưng, cả nước mới chỉ có  một nhà máy chiếu xạ đặt ở TP Hồ Chí Minh nên việc xuất khẩu thanh long đang bị ách tắc.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả nửa đầu năm 2009 đã giảm sút tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, đơn hàng, trong đó khoảng 10 thị trường như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hungary, ấn Độ, UAE, Brazil... từ đầu năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp không thể có thêm được đơn hàng mới nào.

Đi tìm giải pháp

Bộ NN&PTNT đã đưa ra mục tiêu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hoa quả của cả nước phải đạt 760 triệu USD và đến năm 2020, đạt 1,2 tỷ USD/năm. Trong đó, vào năm 2010, diện tích trồng cây hoa quả là 1 triệu hecta, sản lượng khoảng 10 triệu tấn. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, mục tiêu trên sẽ xa vời và cái vòng quẩn quanh “được mùa thì rớt giá”, “trồng rồi lại chặt” sẽ mãi không gỡ ra được nếu như Nhà nước không có những chính sách và mức đầu tư đủ mạnh để xây dựng một ngành trồng và chế biến hoa quả mang thương hiệu Việt Nam.

Ông Phan Huy Thông - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, mặc dù, Bộ NN&PTNT đã quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả song việc quản lý của các địa phương khá lỏng lẻo, vẫn để xảy ra tình trạng “xé” quy hoạch, nông dân đổ xô trồng theo phong trào. Để chấm dứt tình trạng trên, việc đầu tiên phải quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn, đảm bảo các tiêu chuẩn Vietgap, Global gap, giá thành hạ.

Đây là yếu tố sống còn để đưa hoa quả Việt Nam xuất ngoại. Bởi,  không xa, hầu hết các thị trường nhập khẩu đều thắt chặt kiểm soát chất lượng, vệ sinh và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tính chất “liên kết vùng”. Mỗi vùng, mỗi tỉnh chỉ chọn trồng một hoặc hai cây chủ lực là đặc sản của vùng miền, có lợi thế cạnh tranh cao để tránh tình trạng các tỉnh cùng đổ xô trồng một loại cây.

Hải Dương