Hệ thống thương mại Hà Nội "thay da đổi thịt" sau 10 năm mở rộng địa giới

ANTD.VN - Số lượng trung tâm thương mại tăng lên gấp hơn 2 lần, siêu thị và cửa hàng tiện lợi tăng mạnh, hệ thống chợ trải rộng khắp thành thị và nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm rất lớn của người dân Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính (2008-2018).

Hệ thống thương mại Hà Nội "thay da đổi thịt" sau 10 năm mở rộng địa giới ảnh 1

Hệ thống bán lẻ rộng khắp, hàng hóa phong phú, người tiêu dùng yên tâm

Phân phối hiện đại, rộng khắp

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ở thời điểm cuối năm 2008,  thành phố có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị, (trong đó có 6 trung tâm thương mại và 60 siêu thị thuộc các quận nội thành; 4 trung tâm thương mại và 18 siêu thị thuộc các huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây) thì đến nay, thành phố đã có 22 trung tâm thương mại (10 trung tâm thương mại hạng 1, 11 trung tâm thương mại hạng 3 và 1 trung tâm thương mại chưa phân hạng); 125 siêu thị (26 siêu thị hạng 1, 34 siêu thị hạng 2, 51 siêu thị hạng 3 và 14 siêu thị chưa phân hạng); hơn 700 cửa hàng tiện lợi trải rộng khắp từ các quận nội thành đến các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì, Sóc Sơn…

Không chỉ có hệ thống bán lẻ hiện đại, rộng khắp, mạng lưới chợ của Hà Nội cũng đã thay đổi rõ rệt cả về số lượng và cơ sở hạ tầng.

Vào thời điểm tháng 12-2008, trên toàn thành phố có 355 chợ; trong đó có 5 chợ đầu mối nông sản, 15 chợ loại I, 49 chợ loại II và 286 chợ loại 3, đến nay, thành phố hiện có 454 chợ; Trong đó có 15 chợ hạng I, 64 chợ hạng II, 314 chợ hạng III, 61 chợ chưa phân hạng.

Thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý tại 161 chợ/454 tổng số chợ toàn địa bàn (chiếm khoảng 35,5%), trong đó có 58 chợ do hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác,103 chợ do doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác;

Đã có 422/454 chợ được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng(chiếm 93%),có 435/454 chợ có nội quy hoạt động (chiếm khoảng 96%).

Giai đoạn 2011-2016, Hà Nội hoàn thành đầu tư xây dựng mới 43 chợ, đầu tư xây dựng lại 16 chợ, cải tạo nâng cấp 95 chợ với tổng vốn đầu tư hơn 3.054 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách 264,426 tỷ đồng; vốn xã hội hóa hơn 2.789 tỷ đồng).

Đánh giá tích cực về những thành tựu đạt được của hệ thống thương mại Hà Nội sau 10 năm mở rộng, ông Vũ Vinh Phú- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho hay: “ Sau 10 năm mở rộng, số lượng siêu thị tại Hà Nội tăng mạnh, một số chợ được cải tạo, xây mới khang trang. Hàng hóa tại hệ thống bán lẻ đa dạng, phong phú và Hà Nội đã có những vùng sản xuất sạch để cung ứng cho hệ thống bán lẻ.

Hà Nội cũng đã thiết lập khoảng gần 10 chuỗi liên kết: thực phẩm, rau, quả… Nhờ hạ tầng được cải thiện, hàng hóa dồi dào, lĩnh vực bán lẻ của Hà Nội ngày càng phục vụ tốt hơn không chỉ với nhu cầu tiêu dùng nội địa, mà còn đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đầu tư. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng trung bình 10% năm”.

Ít biến động giá, người dân yên tâm

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, do ở nhiều nhóm hàng hóa, Hà Nội chưa tự túc được 100%, trong khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao nên những năm gần đây, việc liên kết vùng được thành phố rất lưu tâm.

Hà Nội đã liên kết với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và một số tỉnh, thành phố phía Nam để đưa hàng hóa đặc sản về Hà Nội, nhằm vừa đảm bảo nguồn cung, vừa thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, thành phố cũng từng bước ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại một số vùng như: Vân Nội, Đông Anh, Hoài Đức… để tự chủ hàng hóa. “ Mặc dù thành phố mở rộng, dân số rất đông, nhưng kể cả những năm có thiên tai, Hà Nội cũng chưa từng để thiếu hàng, sốt giá hay người dân bị thiếu đói. Giá cả hàng hóa trong các dịp lễ, Tết tương đối ổn định, không gây sốc cho người dân”- ông Vũ Vinh Phú đánh giá.

Để có được kết quả này, ngoài việc có hệ thống thương mại phủ kín, hàng hóa luôn dồi dào, thành phố còn thực hiện chính sách bình ổn giá để giữ ổn định thị trường khi có biến động. Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ năm 2008 đến năm 2015, thành phố đã tạm ứng 2.575 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố.

“Từ năm 2016, các doanh nghiệp hoàn toàn sử dụng vốn tự có tham gia chương trình (không sử dụng tiền vay lãi suất bằng 0% từ Quỹ phát triển của thành phố), mang lại hiệu quả cao về hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, năm 2016, 15 doanh nghiệp tham gia bằng vốn của doanh nghiệp thực hiện bình ổn 14 nhóm hàng hóa; Năm 2017 có 18 doanh nghiệp tham gia  bằng vốn của doanh nghiệp thực hiện bình ổn 15 nhóm hàng hóa”- đại diện Sở Công Thương Hà Nội nói.

Những thành tích trên của Hà Nội cũng được người dân ghi nhận và đánh giá tích cực. Chị Nguyễn Mai Hoa (Thành Công- Ba Đình- Hà Nội) đánh giá: “Người dân chúng tôi hiện giờ mua sắm rất thuận tiện. Hàng hóa phong phú, giá cả rõ ràng, người dân lựa chọn thoải mái. Hơn nữa, nhiều điểm bán lẻ cạnh tranh nên chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao. Chúng tôi rất yên tâm, không lo thiếu hàng, sốt giá”.