Hàng tiêu dùng nhanh lặng lẽ tăng giá: Lại phải so đo khi chi dùng

ANTĐ - Nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được phân loại dựa trên một số tiêu chí như: Khả năng mua lại của khách hàng rất cao; Tiền lãi trên từng đơn vị sản phẩm thấp; Nhà sản xuất mua nguyên liệu thô từ nhà cung cấp và sản xuất với quy mô lớn; Thời gian sử dụng ngắn; Giá từng sản phẩm thấp và nhà sản xuất không làm việc trực tiếp với từng cá nhân người dùng cuối.
Hàng tiêu dùng nhanh lặng lẽ tăng giá: Lại phải so đo khi chi dùng ảnh 1

Hàng tiêu dùng nhanh có sức tiêu thụ lớn

 FMCG đến tay người dùng cuối thông qua các hệ thống bán lẻ. Như vậy, trong hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng, FMCG gần gũi nhất phải kể đến là: thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm..., những sản phẩm mà “nhà nào cũng phải mua”. 

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thị trường Việt Nam có khoảng 70% các mặt hàng FMCG, tiếp cận chưa đến 50% số hộ gia đình (tính theo năm). Ông David Anjoubault - Tổng Giám đốc công ty Kantar Worldpanel Việt Nam đánh giá: “Con số này cho thấy các thương hiệu vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển”.

Mì ăn liền là mặt hàng tiêu dùng nhanh được đông đảo người dân từ thành thị đến nông thôn sử dụng. Trong những năm qua, giá của sản phẩm tùy từng nhà cung cấp đã tăng lên rõ rệt. Chẳng hạn, với loại mì bình dân có thị phần lớn như Hảo Hảo, hồi năm 2004, giá bán lẻ của sản phẩm chỉ ở mức 1.200 đồng/gói, tương đương hơn 30.000 đồng/thùng, qua nhiều lần tăng giá, năm 2014, mì Hảo Hảo tăng lên 3.000 đồng/gói. Hiện nay, giá bán lẻ tại các cửa hàng phổ biến ở mức 4.000 đồng/gói, tương đương hơn 100.000 đồng/thùng. 

Với các loại sữa, thức uống khác hay hóa mỹ phẩm, giá sản phẩm thường nhích lên sau mỗi lần thay đổi mẫu mã hoặc thành phần. Chị Trương Thanh Hiền (Yên Nghĩa - Hà Đông) chia sẻ: “Lâu lắm rồi, gần đây tôi mới mua mì ăn liền. Giá mì làm tôi bất ngờ. Rõ ràng vẫn là những sản phẩm có giá bán không cao, ai cũng mua được, nhưng có không ít người đã phải tính toán thay vì ít so đo như trước đây”.

Lý giải cho sự tăng giá này, đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho hay, lạm phát và chi phí sản xuất tăng là lý do chủ yếu khiến giá sản phẩm tăng trong những năm qua. “Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng ngày càng cao, khiến nhà sản xuất phải tăng thêm các loại gia vị, vi chất, phụ gia… Tất cả đều tác động đến giá bán sản phẩm” - đại diện doanh nghiệp nói.

Trong bối cảnh hội nhập, các hãng sản xuất nước ngoài sẽ tham gia ngày càng sâu rộng vào thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất trong nước càng cần phải  có biện pháp cạnh tranh về giá để giữ vững thị phần.

“Nhiều sản phẩm tăng giá là tất yếu, người dân chỉ không chấp nhận tăng giá bất hợp lý. Không ít mặt hàng tiêu dùng nhanh không được xếp vào diện hàng tiêu dùng thiết yếu phải kiểm soát giá, bị chìm trong hàng chục nghìn mặt hàng khác nên lâu nay giá cả ít được quan tâm, dù mức độ phổ biến cao”. 
ông Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội)