Hàng Nhật Bản sắp tràn ngập thị trường Việt Nam?

ANTĐ - Bắt đầu từ hôm nay (1-4), hàng loạt mặt hàng có xuất xứ từ Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có mức thuế ưu đãi là 0% theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản; Hiệp định Đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giai đoạn 2015-2019. Thị trường hàng hóa của Việt Nam liệu có xáo trộn khi hiệp định được thực thi?

Hàng Nhật Bản sắp tràn ngập thị trường Việt Nam? ảnh 1Nhiều sản phẩm Nhật Bản được ưa chuộng tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet

Người tiêu dùng sẽ được lợi

Trong 3.234 dòng thuế có thuế suất 0% ngay từ ngày 1-4, đáng chú ý, có nhóm hàng máy tính cầm tay bao gồm: máy tính mini và sổ ghi chép điện tử kết hợp máy tính (PDAs); Máy tính xách tay kể cả notebook và subnotebook (máy tính cỡ nhỏ, giá rẻ - PV); ổ đĩa cứng; ổ đĩa mềm… Những sản phẩm này được khá nhiều người tiêu dùng Việt Nam  đặt mua. Anh Nguyễn Bảo Nam (nhân viên một công ty liên doanh với Nhật Bản về xây dựng) cho biết: “Nếu muốn mua các sản phẩm xuất xứ từ Nhật Bản, tôi phải đặt hàng khoảng 2 tuần trên mạng mới có. Giá xách tay về đến Việt Nam tương đối cao, bảo hành gần như không có. Nếu thuế nhập khẩu các dòng máy trên về 0%, hàng chính hãng theo đường nhập khẩu về nhiều hơn, người có nhu cầu sẽ thuận tiện hơn”.

Theo đánh giá của giới thạo công nghệ, máy tính xuất xứ Nhật Bản có thiết kế bắt mắt và công năng rất hiệu quả. Pin lâu, máy bền và chạy ổn định. Thực tế cho thấy, đối với dòng sản phẩm máy tính, thị trường Việt Nam đã có đầy đủ tên tuổi lớn trên thế giới như: HP, Dell, Samsung, Asus… và tất nhiên gồm cả Panasonic, Toshiba của Nhật Bản. Tuy nhiên, hàng chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan và Trung Quốc. Do chất lượng được đánh giá cao hơn nhưng giá không hề rẻ nên phần lớn hàng Nhật Bản đến tay người tiêu dùng qua đường “xách tay”. Trong khi đó, hàng xách tay rất khó tìm và thay thế phụ tùng, chi tiết máy khi hỏng hóc. Thế nên, các dòng máy tính xách tay, ổ đĩa cứng của Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa hiện có trên thị trường. Người tiêu dùng sẽ có thêm cơ hội lựa chọn hàng tốt, giá đảm bảo, bảo hành uy tín. 

Mối lo chính đáng

Bên cạnh máy tính, một số mặt hàng khác như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất; sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, tân dược… cũng được hưởng thuế suất 0%. Bình luận về ưu đãi này, một chuyên gia thị trường cho hay: “Nhìn vào biểu thuế của các mặt hàng có mức 0% từ ngày 1-4 thì chưa nên lo hàng Nhật Bản sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Những mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế phần lớn đều là nguyên liệu đầu vào của sản xuất như giống thủy sản, cây trồng; máy móc, thiết bị, thậm chí cả nguyên phụ liệu dệt may, da giày… Nếu giá cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam nhập nguyên liệu sản xuất từ Nhật Bản có chất lượng tốt hơn, đồng thời sẽ giảm dần tỷ lệ nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc”. Theo vị chuyên gia này, những mặt hàng tiêu dùng trực tiếp như thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; trứng gia cầm hoặc nhiều nguyên phụ liệu khác vẫn chịu thuế suất cao hơn 10%. Hàng trong nước vẫn có thể cạnh tranh được.

Tại cuộc tọa đàm về các hiệp định thương mại tự do mới đây, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho hay: “Mối lo Việt Nam liệu có thể trở thành công xưởng hoặc thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước khi nền kinh tế nội địa còn khó khăn, trình độ phát triển thấp là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tham gia các hiệp định, bởi muốn được lợi thì phải trả giá”. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam có nguyên tắc trong lựa chọn đối tác và đàm phán các ưu đãi cũng theo lộ trình. “Xung đột lợi ích luôn xảy ra. Cơ hội cho ngành này sẽ là thách thức của ngành khác hoặc hôm nay đang có cơ hội, ngày mai sẽ trở thành thách thức. Song tổng hòa lợi ích đạt được lớn thì cần tiến hành ký kết hiệp định” - đại diện Bộ Công Thương nói.

Nhập siêu tăng mạnh trở lại
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm 2015, nhập siêu ước tính đạt 1,8 tỷ USD. Trong quý I-2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 6,9%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 37,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh: Ô tô đạt 1,1 tỷ USD, tăng 73,6% (ô tô nguyên chiếc tăng 154,7%, chủ yếu ô tô vận tải). Nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 34,4 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 91,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.

Cũng trong quý I-2015, Việt Nam vẫn nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 8,1 tỷ USD, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, tăng 12,1%... Theo các chuyên gia, nhập siêu tăng nhưng không đáng lo ngại vì cơ cấu hàng nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất, chứng tỏ sản xuất đã phục hồi.