Hạn chế tối đa tình trạng tăng giá hàng Tết

ANTD.VN - Mặc dù Hà Nội đã có phương án chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 từ sớm, song, với diễn biến giá cả hiện tại, tình trạng tăng giá mạnh một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu là khó tránh khỏi. Và tăng “nóng” hơn cả được dự báo rơi vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống.

Đa dạng nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn trong dịp Tết

Dự trữ hơn 31.200 tỷ đồng hàng Tết

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa diễn ra, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đã sẵn sàng nguồn hàng để phục vụ Tết trong 2 tháng (từ 7-12-2019 đến 8-2-2020), đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Cụ thể, gạo 191.400 tấn; thịt lợn 44.600 tấn; thịt gà 14.800 tấn; thịt bò 12.306 tấn; trứng gia cầm 260 triệu quả; 247.400 tấn rau củ; thực phẩm chế biến 12.800 tấn; thủy hải sản 11.364 tấn; nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019). 

Trong đó, thành phố có khả năng tự cung ứng một lượng hàng Tết nhất định như: gạo 51.150 tấn (đáp ứng 27% nhu cầu); thịt gà 17.000 tấn; thịt bò 1.782 tấn (đáp ứng 12,1%); thủy hải sản khai thác 280 tấn (đáp ứng 2,5%); trứng gà, vịt 292 triệu quả (cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng), thực phẩm chế biến 3.840 tấn (đáp ứng 30%); rau củ 115.228 tấn (đáp ứng 47%)…

Do nhiều năm nay, Hà Nội đã liên kết với các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Sơn La… để tiêu thụ sản phẩm của nhau nên nguồn hàng thiếu hụt sẽ được thành phố huy động từ các địa phương này, đảm bảo nguồn cung không bị đứt đoạn trong dịp Tết.

 “Đề nghị các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá rà soát lại nguồn hàng, kho tích trữ hàng hóa, phòng trường hợp biến động để cung cấp kịp thời cho hệ thống và bạn hàng, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng về vùng sâu, vùng xa để thuận tiện cho người dân đón Tết, tránh tình trạng đổ xô về trung tâm mua hàng, gây ách tắc giao thông, thiếu hàng cục bộ” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương về chuẩn bị hàng Tết 2020.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, để góp phần bình ổn thị trường dịp Tết, hiện có 22 đơn vị đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng. Do đó, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ khó tăng phi mã vì nguồn hàng khá dồi dào. Tuy vậy, khác với những năm trước, năm nay do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn giảm mạnh nên dự báo giá thị lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt lợn như: giò, chả… sẽ tăng mạnh.

Theo tính toán của Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân thành phố sẽ vào khoảng 22.300 tấn hơi/tháng, tương đương với 15.610 tấn thịt (tăng khoảng 18% - 20% so với các tháng thông thường). Hiện tại, nguồn cung thịt lợn cho người dân thành phố đang thiếu khoảng 3.500 tấn so với nhu cầu. Giá thịt lợn tăng mạnh khiến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này ở thời điểm hiện tại chững lại so với trước đây, nhưng người dân lại tăng sử dụng các thực phẩm khác như: thịt bò, thịt gà, cá, hải sản… để thay thế nên nhìn chung, nhiều loại thực phẩm đang đứng ở mức giá cao. 

Sắm Tết sớm, tránh giá cao

Giá hàng Tết tăng phi mã là nỗi lo của nhiều bà nội trợ. Theo quy luật  trong dịp Tết, giá các mặt hàng sẽ tăng cao so với ngày thường. Tuy nhiên, năm nay giá cả thị trường được dự báo sẽ có những biến động mạnh hơn do nguồn cung một số mặt hàng không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, hoặc ở thời điểm hiện tại đã đứng ở mức giá rất cao, đơn cử như thực phẩm tươi sống.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, để tránh mua thịt lợn giá cao, người dân có thể lựa chọn các thực phẩm khác thay thế. “Theo số liệu thống kê 10 tháng của năm 2019, các sản phẩm thịt khác từ hoạt động chăn nuôi có thể thay thế cho mặt hàng thịt lợn tương đối dồi dào: sản lượng thịt bò tăng 0,6%, sản lượng thịt gia cầm tăng 18%, sản lượng thủy sản tăng 5,9%, cơ bản đáp ứng được một phần số thịt lợn còn thiếu” - ông Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Đại diện hệ thống siêu thị Co.op mart cho rằng, sắm Tết sớm là một trong những giải pháp để khách hàng có thể tiết kiệm chi tiêu hơn. Thời điểm này, Co.op mart đang có khuyến mại lớn đối với nhiều nhóm hàng sử dụng cho gia đình dịp Tết như: đồ nhựa gia dụng, dụng cụ nhà bếp, các loại hóa phẩm và hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân. Đây đều là những mặt hàng mà người tiêu dùng có thể tranh thủ mua ngay từ bây giờ để tránh “giá Tết”. 

Những tuần cận Tết tiếp theo, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ luân phiên giảm giá hàng thời trang, gia vị, các loại thực phẩm khô, càng cận Tết sẽ giảm giá bánh kẹo, giỏ quà, bánh mứt, trái cây, các loại thịt tươi… “Tổng mức trữ lượng hàng hóa của Saigon Co.op, bao gồm hàng bình ổn giá cho Tết năm nay, tùy ngành hàng sẽ tăng từ 15% đến 30% hoặc 40% so với năm trước” - đại diện Co.op mart nói.

Riêng mặt hàng thịt, khách hàng sẽ không lo thiếu. Co.op mart đã chuẩn bị xong hơn 3.500 tấn thịt lợn an toàn đảm bảo giá thấp hơn thị trường từ các đơn vị cung cấp lớn như: Vissan, Anh Hoàng Thy, Meat Hà Nam... cùng một lượng lớn các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy sản, hải sản… luân phiên giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.  

Cam kết không tăng giá trong dịp Tết dù thị trường có biến động tăng, đại diện Siêu thị BigC Thăng Long cho hay, siêu thị này đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị kho chứa đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Big C lên phương án để khi thị trường Hà Nội cần sẽ huy động hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh ra nhằm đảm bảo cung ứng cũng như bình ổn giá thị trường. 

Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, thị trường giá cả trong 1-2 tháng gần đây đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Ngoài thịt lợn thì các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác, các cửa hàng ăn uống dịch vụ có liên quan đến thịt đều có những biến động về giá từ  5-10%.

Để ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” của hàng hóa dịp Tết, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, cần tổ chức theo dõi để điều hòa nguồn thịt lợn cũng như các thực phẩm thiết yếu khác trên cơ sở quan hệ cung cầu nhằm giảm bớt những đột biến về giá. Trong đó, đặc biệt cần hạn chế trục lợi tại khâu trung gian, chiết khấu cao ở khâu bán lẻ dẫn tới đẩy giá lên bất thường. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần quan tâm đến hệ thống phân phối nông sản quốc gia, bao gồm chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi.. để tránh nỗi lo chi tiêu đắt đỏ cho người dân mỗi dịp Tết.