Hạn chế tật ngiến răng

(ANTĐ) - Nghiến răng khi ngủ là hiện tượng các cơ nhai đáng lẽ ở trạng thái bất động, nhưng lại vận động một cách vô thức, không mục đích, khiến hai hàm răng cọ sát với nhau tạo thành tiếng động. Hoạt động bất thường của các cơ nhai có thể gặp ở nhiều người (có thể chiếm tỷ lệ tới 50-60%) nhưng gây tiếng động thì chỉ chiếm 6%.

Hạn chế tật ngiến răng

(ANTĐ) - Nghiến răng khi ngủ là hiện tượng các cơ nhai đáng lẽ ở trạng thái bất động, nhưng lại vận động một cách vô thức, không mục đích, khiến hai hàm răng cọ sát với nhau tạo thành tiếng động. Hoạt động bất thường của các cơ nhai có thể gặp ở nhiều người (có thể chiếm tỷ lệ tới 50-60%) nhưng gây tiếng động thì chỉ chiếm 6%.

Cố gắng giảm stress để tránh tật nghiến răng khi ngủ
Cố gắng giảm stress để tránh tật nghiến răng khi ngủ

Lỗi của… hệ thần kinh

Nghiến răng khi ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở độ tuổi 20-50. Qua các thống kê, có khoảng 20% người có tật nghiến răng có tiền sử gia đình bị bệnh này, tuy nhiên người ta chưa xác định được do loại gene nào. Nguyên nhân gây tật nghiến răng cũng chưa được biết rõ, nhưng có nhiều yếu tố liên quan như chấn thương răng, men răng, sâu răng, lệch khớp cắn, mang hàm giả… tạo các kích thích lên trung tâm phản xạ nhai gây nghiến răng.

Yếu tố về các bệnh thần kinh là nguyên nhân chính của tật nghiến răng. Đó là do rối loạn giấc ngủ, sau chấn thương sọ não, nghiện rượu, thuốc lá hay một số chất kích thích nặng… Yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân của tật nghiến răng. Nhiều chuyên gia thần kinh nhấn mạnh tới hiện tượng stress. Khi bị stress, mỗi cơ thể có kiểu phản ứng khác nhau: một số người thấy triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng hoặc cao huyết áp, một số khác lại có biểu hiện của nghiến răng khi ngủ. Hiện tượng này cũng có thể gặp ở một số phụ nữ đang mang thai và sinh nở bị căng thẳng, lo âu, mệt mỏi.

Răng - nạn nhân chính

Nghiến răng lâu ngày khiến mặt răng bị bào mòn, men răng bị phá hủy gây tăng sự tiêu xương, nha chu viêm. Răng do đó dễ bị lung lay hơn. Nghiến răng sẽ gây phì đại cơ nhai, cơ thái dương, gây đau khi đụng chạm vào các cơ này.

Các rối loạn thần kinh - cơ do nghiến răng, lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của khớp thái dương hàm. Những hậu quả này khiến cho người mắc tật này thường xuyên thấy răng ê buốt, lung lay thậm chí răng còn có thể bị nứt gãy. Ngoài ra những người mắc tật này thường xuyên có những biểu hiện lo lắng, căng thẳng…

Cần định kỳ khám răng

Để hạn chế hậu quả trên và đỡ gây phiền toái cho người xung quanh, có thể mang máng nhai khi ngủ (máng được làm bằng plastic hoặc acrylic do các nha sĩ thiết kế phù hợp sau khi khám). Thường xuyên tập thư giãn khớp hàm bằng thả lỏng cơ miệng, hàm dưới ở trạng thái nghỉ. Người mắc tật này có thể do giấc ngủ không sâu, do đó cần tạo giấc ngủ sâu bằng cách chuẩn bị phòng ngủ yên tĩnh, thoáng đãng, trước khi ngủ đi bách bộ và có thể tắm nước ấm.

Trong cuộc sống cần tránh những căng thẳng thần kinh, tâm lý, tránh sử dụng các loại thực phẩm phải nhai, gặm nhiều trong thời gian tật nghiến răng xảy ra thường xuyên. Một số thuốc thường được bác sĩ chỉ định và có phần nào mang lại hiệu quả là các loại an thần - trầm tính, giảm cơ như benzodiazepinex, myorelaxant nhưng phải có sự chỉ định của bác sĩ và không được sử dụng kéo dài (gây tình trạng lệ thuộc, thậm chí gây nghiện). Nếu để tật nghiến răng tồn tại quá lâu sẽ khiến những hậu quả gây ra càng nặng nề thêm, do đó cần định kỳ đi khám răng để điều trị sớm các hậu quả mà tật nghiến răng gây nên.

BS Nguyễn Thiết