Hà Nội: Thí điểm quản lý kinh doanh trái cây tại 12 quận nội thành

ANTD.VN - Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc thành phố Hà Nội” đặt mục tiêu, năm 2017, 60% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành Hà Nội có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng...

Trái cây phải đảm bảo an toàn khi đến với người tiêu dùng

Đề án Trái cây đặt ra kế hoạch, từ tháng 3-2018 đến tháng 12-2018, thành phố sẽ tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại Đề án; Kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; Kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Đề án chỉ quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, bao gồm: các hộ kinh doanh, hơp tác xã, công ty, tập đoàn... trên các khu dân cư, không bao gồm việc kinh doanh trái cây ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại 12 quận nội thành Hà Nội.

Đối với hàng trái cây bán rong, để tiếp tục kinh doanh, người kinh doanh cần vào buôn bán tại các chợ để buôn bán tập trung. 

Đề án trái cây đặt ra 4 nhóm điều kiện đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây, bao gồm: Điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; Điều kiện nhân lực; Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; Điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.

Các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được nhận diện là có sản phẩm trái cây được cấp biển nhận diện (logo).

Cụ thể, cửa hàng chuyên doanh trái cây phải tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật, các khu tập trung, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện;

Tách biệt khu vực vệ sinh với khu vực bảo quản, khu vực kinh doanh trái cây; Có thiết bị, dụng cụ vận chuyển, bảo quản trái cây đáp ứng các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất;

Có thiết bị, dụng cụ sơ chế, chứa đựng, bao gói, bày bán trái cây đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Khuyến khích bao gói trái cây bằng các vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, để đảm bảo quá trình hô hấp tự nhiên tránh va đập, dập nát. Phải có dụng cụ thu gom chất thải, rác thải có nắp đậy và lưu trữ ở khu vực riêng biệt.

Cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp (có trái cây) phải có đủ diện tích để bố trí các khu vực bày bán trái cây, chứa đựng, bảo quản và thuận tiện vận chuyển; Đảm bảo các điều kiện về vệ sinh khu vực bày bán trái cây. 

Ngoài ra, Đề án còn đặt ra điều kiện người kinh doanh trái cây phải đảm bảo sức khỏe theo quy định; Trái cây phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mỗi lô hàng nhập về đều có giấy tờ, hóa đơn, nhập dữ liệu về cơ sở cung cấp; Đảm bảo các chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật;

Trái cây nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm tra ATTP theo quy định; Khuyến khích ghi nhãn hàng hóa đối với trái cây theo quy định hiện hành.

Riêng đối với trái cây biến đổi gen hoặc qua chiếu xạ phải có cụm từ “thực phẩm biến đổi gen” hoặc “thực phẩm đã qua chiếu xạ”.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, trong năm 2017, 60% cửa hàng bán trái cây tại các quận nội thành có đăng ký kinh doanh và đến hết năm 2018, tỷ lệ này phải đạt 100%.

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2017, thành phố trang bị 3 xe test nhanh thực phẩm tại 3 quận: Long Biên, Hoàng Mai và Bắc Từ Liêm.

"Việc kiểm tra nhanh được thực hiện hàng ngày đối với thực phẩm nói chung và hoa quả nói riêng. Nếu thấy nghi ngờ , chúng tôi sẽ gửi mẫu này đi giám định. Hầu hết thực phẩm kiểm tra đều đảm bảo các tiêu chí trong giới hạn cho phép"- ông Nguyễn Đắc Lộc cho hay.

Để thực hiện Đề án này, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, Đề án cần thực hiện từng bước một, hợp lý. Khi người tiêu dùng thay đổi thói quen dễ dãi trong tiêu dùng, họ sẽ tự nguyện sử dụng trái cây an toàn. 

Theo kết quả điều tra, khảo sát đợt 1, 12 quận được khảo sát có 1.036 cửa hàng kinh doanh trái cây. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố, khu dân cư đều nhỏ, lẻ, số lượng hàng hóa kinh doanh ít và mua từ các chợ đầu mối, ít chú ý đến hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa... 

Bên cạnh đó, tình trạng bán trái cây bán rong, trái cây còn tồn dư hóa chất vẫn diễn biến phức tạp.