Hà Nội thí điểm quản lý cửa hàng trái cây: Hạn chế hàng rong, lấn chiếm lòng đường

ANTD.VN - Theo bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Đề án trái cây hiện đang được triển khai tốt, hợp lòng dân, góp phần hạn chế hoạt động bán trái cây rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và không đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời góp phần tăng doanh thu cho các cửa hàng.

Trái cây an toàn được người dân tin tưởng sử dụng

Ngày 19-10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội (gọi tắt là Đề án trái cây)”.

Tăng doanh thu nhờ "Đề án trái cây"

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay sau khi Đề án trái cây được phê duyệt, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng các mẫu biểu báo cáo, thống kê để phối hợp với các đơn vị, UBND các quận triển khai điều tra, khảo sát các cửa hàng kính doanh trái cây trên địa bàn theo các tiêu chí được xây dựng trong Đề án trái cây và tổng hợp được trên 1.076 cửa hàng.

“Qua quá trình rà soát, hướng dẫn, đối chiếu với các quy định thì trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội hiện có tổng số 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ điều kiện, trong đó chia theo loại hình kinh doanh có 134 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 632 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây. Tất cả các cửa hàng này đều đã được cấp logo nhận diện của Đề án”- bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Kết quả cụ thể như sau, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đã được cấp đăng ký kinh doanh, tăng 70% so với trước khi thực hiện Đề án.

Về các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, qua 1 năm thực hiện Đề án, đã có 3.004/3.004 người được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và thực hiện khám sức khỏe theo quy định, tăng 32% so với trước đó;

100% cửa hàng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, trong khi trước Đề án, tỷ lệ này chỉ đạt 30%.

Đáng chú ý, về nguồn gốc xuất xứ trái cây, tại thời điểm kiểm tra để cấp biển nhận diện, 766/766 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 100%, trước Đề án đạt 59%; 604/766 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 79%, trước đề án đạt 38%.

Ngoài ra, các cửa hàng được cấp biển nhận diện còn được trang bị các thiết bị bảo quản trái cây, quầy kệ, thiết bị vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Đề án trái cây hiện đang được triển khai tốt, hợp lòng dân, góp phần hạn chế hoạt động bán trái cây rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và không đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời góp phần tăng doanh thu cho các cửa hàng.  Sở Công Thương đề nghị năm 2019, Đề án sẽ được triển khai đến tất cả các huyện trên địa bàn thành phố.

Là một trong những cửa hàng được gắn biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn trong Đề án, bà Lê Thị Bích Ngọc- Giám đốc thực phẩm, Công ty CP V-food Việt Nam cho biết, từ khi tham gia Đề án, doanh thu của cửa hàng tăng lên. 

Nâng cao nhận thức cho người dân về trái cây an toàn

Theo ông Nguyễn Huy Đăng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở này đã tiến hành lấy 357 mẫu trái cây để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn ecoli... Kết quả cho thấy, còn có 1 mẫu vượt ngưỡng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Đắc Lộc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho hay, sau khi thực hiện Đề án, ý thức, cách thức bảo quản trái cây của các hộ kinh doanh được nâng lên 1 bước. "Quan trọng nhất là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng hơn. Trước đây, nhiều loại trái cây có nguồn gốc nhưng chủ cửa hàng không lưu trữ hồ sơ. Hiện tại, sau khi thực hiện Đề án, cơ bản các hộ kinh doanh đã nâng cao nhận thức, đáp ứng được yêu dầu, dù tỷ lệ này chưa 100%"- đại diện Chi cục QLTT nói. 

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Lộc, để duy trì được nề nếp này, các đơn vị liên quan cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở đã được cấp biển nhận diện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản biểu dương kết quả bước đầu của các đơn vị thực hiện Đề án đạt được. 

"Trong quá trình triển khai Đề án, các cấp, ngành thành phố đã triển khai được 1 số việc như: Sở Công Thương và các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, cả các tuyến phố kinh doanh mà đưa vào nề nếp.  

Đáng mừng nhất là sau khi cấp biển nhận diện, doanh số của cửa hàng tăng 10-20%, thậm chí 50%"- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nói.

Cũng theo lãnh đạo TP Hà Nội, để Đề án triển khai mạnh mẽ, chất lượng hơn, các lượng lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đưa công tác kiểm tra vào thực chất hơn. Các cửa hàng vi phạm đến lần thứ ba cần công khai danh tính để nâng cao ý thức kinh doanh.