Hà Nội: Công khai thông tin hộ thuế khoán

ANTĐ - “Trước đây, kê khai và nộp thuế trực tiếp ở trụ sở nên hộ nào biết hộ đó, không có cơ sở để so sánh mức thuế của mình là cao hay thấp. Với phương pháp mới, doanh thu, số thuế của các hộ trên địa bàn được công khai tới từng hộ, qua đó mức thuế cũng minh bạch hơn, công bằng hơn” - đây là chia sẻ của một hộ kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội sau khi cơ quan thuế tiến hành công khai thông tin hộ thuế khoán. 
Hà Nội: Công khai thông tin hộ thuế khoán ảnh 1

Việc công khai mức thuế khoán cũng như thu thập thông tin hộ kinh doanh nhận được sự đồng tình của người nộp thuế

Có cơ sở để so sánh, giám sát

Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, thực hiện các hướng dẫn về việc tăng cường quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (hộ khoán), Cục Thuế Hà Nội đã triển khai một loạt các giải pháp. 

Cụ thể, Cục Thuế đã chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế in tờ rơi tóm tắt các chính sách thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh gửi đến 100% hộ. Đồng thời, gửi thư ngỏ kèm theo bảng công khai thông tin của 200 hộ, cá nhân kinh doanh cùng địa bàn đến 100% hộ, cá nhân kinh doanh để các hộ cho ý kiến phản ánh về việc xác định doanh thu, mức thuế khoán. 

“Sau khi triển khai thí điểm tại 3 chi cục thuế là Hoàn Kiếm, Đông Anh, Hoài Đức, Cục Thuế TP Hà Nội đã họp bàn, trao đổi rút kinh nghiệm để triển khai rộng trên toàn TP. Đây là tiền đề quan trọng cho việc quản lý và công khai thông tin hộ khoán trên địa bàn toàn TP Hà Nội hiệu quả, đúng quy định”, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế thông tin.

Chị Phạm Thị Thủy - Chủ cửa hàng kinh doanh kim khí Thủy An (40A phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm) đánh giá: “Trước đây hộ kinh doanh nào biết mức thuế của hộ đó nên không tránh khỏi những thắc mắc về việc đóng thuế nhiều hay ít so với các hộ kinh doanh khác trong cùng khu vực, cùng ngành nghề. Chính vì vậy việc thu thập thông tin và công khai mức thuế đến từng hộ sẽ tạo điều kiện cho người dân chủ động so sánh, từ đó thấy được mức thuế của mình là phù hợp hay không”.

 

Đồng tình với việc công khai mức thuế, ông Phạm Ngọc - chủ cửa hàng kinh doanh tân dược (số 17 Hàng Phèn, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Trước đây, cơ quan thuế công khai mức thuế các hộ khoán tại trụ sở hoặc ở trụ sở UBND phường. Nhưng thú thật, chúng tôi cũng ngại đến xem, còn bây giờ bảng công khai gửi tới tận nhà, chúng tôi rất hoan nghênh”.

Nên thu thập thông tin thường xuyên hơn

Cùng với việc công khai doanh thu, mức thuế khoán đối với các hộ kinh doanh, cơ quan thuế cũng đồng thời tiến hành thu thập thông tin và khảo sát thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của các hộ để xây dựng cơ sở dữ liệu làm căn cứ xây dựng biểu thuế mức khoán năm 2016. Thông qua việc thu thập thông tin cũng góp phần không để sót hộ kinh doanh, mặt khác đưa những hộ nghỉ, bỏ kinh doanh ra khỏi danh sách. 

Ông Nguyễn Anh Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm cho biết: “Là một trong những đơn vị được chọn để thí điểm tăng cường quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, chúng tôi đang tiến hành thu thập thông tin. Tổng số hộ kinh doanh trên địa bàn quận hiện nay là khoảng 9.900 hộ. Tính đến cuối tháng 9 đã có gần 50% số hộ được thu thập thông tin và dự kiến, đến đầu tháng 11, việc thu thập xây dựng cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh thuế khoán sẽ hoàn tất”.

Đánh giá việc thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các hộ, cá nhân nộp thuế khoán, ông Phạm Ngọc - chủ cửa hàng kinh doanh tân dược (số 17 Hàng Phèn) cho rằng: “Việc điều tra doanh số hộ kinh doanh là việc làm cần thiết và phải được thực hiện định kỳ. Bởi hàng năm, các khoản chi phí đầu vào đầu ra đều có biến động, nên thông qua điều tra, cơ quan thuế có thể điều chỉnh mức thuế khoán sát với thực tế”.

“Trước đây, cứ lâu lâu lại điều chỉnh tăng thuế và cứ tăng, không có giảm. Tôi hiểu, điều tra lần này để có căn cứ xem các hộ có làm ăn được không, chi phí bao nhiêu để định ra mức khoán cho đúng. Tức là có tăng, có giảm. Vì vậy tôi đề nghị là việc điều tra thu thập thông tin là phải làm thường xuyên. Nếu kinh doanh tốt, chúng tôi sẵn sàng nộp thuế cao hơn. Còn nếu không kinh doanh được thì phải giảm thuế cho chúng tôi”, ông Ngọc đề nghị.