Giữ nguyên giá xăng, tăng giá dầu diesel

ANTD.VN - Xăng RON 92 sẽ giữ ổn định giá bán tối đa là 18.580 đồng/lít theo điều hành của Bộ Công Thương ngày 5-12.

Giữ nguyên giá xăng, tăng giá dầu diesel ảnh 1Doanh nghiệp xăng dầu lại kêu khó

Giữ ổn định giá xăng dầu

Bộ Công Thương cho biết, từ 15h hôm nay (5-12), giá xăng RON 92 và xăng E5 sẽ giữ nguyên giá bán như kỳ điều hành ngày 20-11, lần lượt là 18.580 đồng/lít và 18.243 đồng/lít;

Dầu hỏa và dầu mazut cũng giữ ổn định giá là 13.617 đồng/lít và 12.382 đồng/kg. Dầu diesel tăng giá nhẹ, thêm 150 đồng/lít, giá bán mới là 15.169 đồng/lít. 

Cùng với việc điều chỉnh giá xăng dầu như trên, Bộ Công Thương cũng thay đổi mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với từng loại xăng dầu. Cụ thể, xăng khoáng chi sử dụng quỹ 585 đồng/lít, kỳ trước là  600 đồng/lít;

Xăng E5 tăng chi lên 604 đồng/lít thay vì 600 đồng/lít như trước đây; Dầu diesel tăng chi lên 388 đồng/lít, tăng 88 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 85 đồng/lít, lên mức 485 đồng/lít; Dầu mazut giảm chi sử dụng quỹ từ 350 đồng/kg kỳ trước xuống còn 239 đồng/kg trong kỳ này. 

Doanh nghiệp kêu khó

Trong một diễn biến khác, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiến nghị mức thuế nhập khẩu làm cơ sở tính giá cơ sở xăng dầu.

Theo VINPA, hiệp hội nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về thuế nhập khẩu bình quân gia quyền gây ra "nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu".

Cụ thể, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền mặt hàng xăng áp dụng từ 16 giờ ngày 4-1 là 10,56% được điều chỉnh giảm xuống còn 10,21% ngày 5-4, còn 9,31% ngày 5-7 và giảm tiếp còn 8,56% từ ngày 20-10.

Trong khi đó, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng Việt Nam đã ký cam kết quốc tế áp dụng cho năm 2017 với mức thuế suất thấp nhất là 10% đối với các lô hàng nhập khẩu có C/O form KV; 20% đối với thị trường các nước ASEAN.

Với cách ấn định như trên, theo ông Phan Thế Ruệ, kể từ 17 giờ ngày 5-7 đến nay, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền mặt hàng xăng còn thấp hơn cả thuế nhập khẩu có C/O form KV từ 0,69% đến 1,44%. 

"Điều này dẫn đến nguồn lực của doanh nghiệp bị giảm từ 65-140 đồng/lít" – Chủ tịch VINPA cho hay. 

Theo VINPA, việc tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong công thức hiện nay có sự bất cập vì tính cả lượng mua từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tỉ trọng hiện nay khoảng trên 47% với mức thuế 0% và đây là cách tính không đúng. Chưa kể, cách tính này cũng được cho là phức tạp vì thực tế nguồn xăng dầu nhập khẩu có 2 mức thuế suất là 20% và 10%. Ông Phan Thế Ruệ cho rằng, cách tính không minh bạch như trên dễ tạo hiểu lầm không cần thiết trong dư luận và cũng không đúng với Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Vì vậy, VINPA đề xuất một số phương án về thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở. Cụ thể, phương án 1 là lấy mức thuế nhập khẩu thấp nhất mà Việt Nam đã cam kết để tính giá cơ sở.

Theo đó, thuế thấp nhất là 10% đối với xăng và 0% đối với dầu diesel nhập từ Hàn Quốc. Kiến nghị Chính phủ cho phép mức điều tiết lên 10% đối với 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Phần chênh lệch theo cơ chế, nhà nước sẽ thu để đảm bảo cân đối ngân sách.

Phương án 2, nếu vẫn tính gộp cả thuế của lọc dầu Dung Quất vào công thức thuế bình quân gia quyền như hiện nay thì cần áp dụng việc điều tiết đối với xăng dầu sản xuất trong nước tương đương với mức thuế nhập khẩu thấp nhất (khoảng 10%).

Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đề xuất rà soát điều chỉnh lại "chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam" vì mức đang áp dụng tính giá cơ sở hiện nay sau 3 năm chưa được điều chỉnh đã không phù hợp với thực tiễn.