Giao dịch thế nào để tránh rủi ro khi thanh toán trực tuyến?

ANTD.VN - Mua hàng hóa, dịch vụ và thanh toán trực tuyến được nhiều người dùng cân nhắc sử dụng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên nhiều người dùng vẫn lo trả tiền rồi liệu có nhận được hàng không?

Lựa chọn hình thức thanh toán trực tuyến phù hợp để tránh rủi ro

Sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến đã lâu song chị Nguyễn Thu Hà (Long Biên- Hà Nội) thường xuyên chọn ship COD (giao hàng- nhận tiền) để yên tâm hơn. Gần đây, do lo ngại tiếp xúc nhiều sẽ lây lan dịch bệnh Covid-19, chị Thu Hà chuyển sang thanh toán trực tuyến.

“Mua hàng online (trực tuyến) nhiều nhưng gần đây tôi mới thực hiện thanh toán trực tuyến. Tôi luôn lo lắng trả tiền trước rồi, liệu có nhận được hàng không? Nếu nhận được hàng mà chất lượng không như quảng cáo thì tôi phải làm thế nào để lấy lại tiền”?

Không chỉ chị Thu Hà, nhiều người tiêu dùng khác cũng đắn đo khi lựa chọn thanh toán trực tuyến. Theo thống kê mới đây, mới chỉ có khoảng 20% lượng giao dịch trực tuyến thực hiện thanh toán số, còn lại khoảng 80% là ship COD.

Bình luận về điều này, ông Vũ Vinh Phú- chuyên gia thị trường cho rằng, thực tế này nói lên 2 vấn đề. Một là người tiêu dùng Việt Nam chưa quen nhiều với hình thức thanh toán trực tuyến, mua hàng qua tài khoản các ngân hàng. Chưa kể, nhiều người dân ở khu vực nông thôn, việc thanh toán qua ngân hàng, các ví điện tử… thường khó khăn hơn.

Thứ hai, giao dịch thương mại trực tuyến ở Việt Nam có khá nhiều “trục trặc” dẫn tới niềm tin của người tiêu dùng chưa thật đầy đủ trong phạm vi giao dịch B2C ( Business to Customer – Doanh nghiệp tới khách hàng lẻ), đòi hỏi phải có công cụ hữu hiệu hơn nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong các giao dịch trực tuyến.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), gần đây cơ quan này nhận được nhiều phản ánh của khách hàng liên quan đến thanh toán trực tuyến.

Cơ quan này khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên cân nhắc lựa chọn kênh thanh toán an toàn như thẻ tín dụng, ví điện tử hay thanh toán khi nhận hàng (COD). Người tiêu dùng nên tránh phương thức thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro như chuyển khoản trước – nhận hàng sau. Bên cạnh đó, một lưu ý nhỏ mà người tiêu dùng nên lưu ý khi mua sắm và thanh toán trực tuyến, đó là: Địa chỉ trang web phải bắt đầu bằng https (chữ “s" là viết tắt của “security”, dịch sang Tiếng Việt là an toàn)”.

Để thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán online, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đang ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý cho thanh toán trực tuyến, thanh toán số nhằm đảm bảo quyền lợi của người dùng. Tuy vậy, để các giao dịch trực tuyến thành công, người dùng cần trang bị thêm kiến thức để tránh rủi ro.