Giảm tỉ lệ đóng quỹ bảo hiểm, ai được lợi?

ANTD.VN - Tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 10-2016, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức đề xuất giảm 1% tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhằm góp phần giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định.

Việc giảm các khoản bảo hiểm nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng cạnh tranh

Tiết kiệm 5.400 tỷ đồng/năm

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh giảm 1% tỉ lệ đóng (mỗi quỹ giảm 0,5%) sẽ làm giảm thu của 2 quỹ bảo hiểm khoảng 5.400 tỷ đồng/năm. Điều này đồng nghĩa với việc chủ sử dụng lao động sẽ tiết kiệm 5.400 tỷ đồng chi phí tiền đóng mỗi năm. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của doanh nghiệp Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN.

Trong khi đó, việc áp dụng cách tính đóng mới dựa trên cơ sở đầu ra (gồm mức lương và các khoản phụ cấp ghi trên hợp đồng lao động) khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn: chi phí sản xuất tăng cao, giảm khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp ngoài nước… Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần xem xét điều chỉnh tỉ lệ đóng hoặc giãn lộ trình đóng BHXH.

Trên cơ sở rà soát các nguồn quỹ, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, phương án giảm một phần tỉ lệ đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có tính khả thi. Theo thống kê, trong 8 năm qua, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức chi cao nhất là 11%; năm 2015, mức chi chỉ khoảng 8%.

Hiện tại, số kết dư quỹ khá lớn, khoảng 26.000 tỷ đồng. Đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp, số kết dư quỹ đến hết năm 2015 là gần 49.000 tỷ đồng. Năm 2015, số thu quỹ này là 9.470 tỷ đồng nhưng chỉ chi hơn 50%, khoảng 4.800 tỷ đồng. Như vậy, với tốc độ tăng thu, chi như giai đoạn vừa qua và kết dư của quỹ cho đến thời điểm hiện tại thì việc giảm tỉ lệ đóng 0,5% với mỗi quỹ, trong một vài năm tới  vẫn đảm bảo khả năng chi trả.

Phải đảm bảo lợi ích của người lao động

Trong bối cảnh, việc tăng lương tối thiểu vùng và thay đổi cách tính đóng BHXH khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao, thì việc nghiên cứu phương án điều chỉnh tỉ lệ đóng hoặc giãn lộ trình thực hiện là cần thiết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh như thế nào cần phải xem xét dưới góc độ cân bằng lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động.

Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách và thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đề xuất giảm tỉ lệ đóng vào 2 quỹ bảo hiểm do kết dư nhiều là chưa thuyết phục. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm bảo đảm tốt hơn đời sống của người lao động rủi ro gặp phải tai nạn lao động, hỗ trợ người lao động mất việc làm sớm quay lại thị trường lao động.

Thực trạng, số chi trong năm chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ so với số thu có thể do quá trình sử dụng quỹ chưa hiệu quả, chứ không phải do tỉ lệ đóng nộp cao. Do đó, trước khi điều chỉnh, cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện hiệu quả của các quỹ trên để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.