Giảm lãi suất, tín hiệu tốt nhưng có đủ giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp

ANTD.VN - Việc một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay - theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu - là một động thái tích cực, tuy nhiên mức giảm 0,5% sẽ chưa đủ giảm đáng kể chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Tác động tích cực nhưng chưa đủ

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) và lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%/năm, một số ngân hàng đã có động thái giảm nhẹ lãi suất cho vay. Có thể kể đến những "ông lớn" như Vietcombank, BIDV, Vietinbank hay một số ngân hàng cổ phần tầm trung như MSB, MB...

Một số ngân hàng nhỏ khác như Kienlongbank, VietCapital Bank... mặc dù không công bố giảm lãi suất trên diện rộng nhưng cũng tung ra những gói tín dụng ưu đãi dành cho những nhóm khách hàng ưu tiên.

Còn nhận xét từ giới chuyên gia và các nhà phân tích thì cho thấy, việc các ngân hàng giảm lãi suất ngay thời điểm này, nhất là sự vào cuộc của các ngân hàng lớn, sẽ giúp lan tỏa làn sóng hạ lãi suất đến toàn hệ thống.

Cùng với đó, quyết định giảm 0,5% trần lãi suất huy động với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giúp các ngân hàng giảm bớt chi phí đầu vào, qua đó kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống theo đúng chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. 

"Việc một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay 0,5% là động thái tích cực và hợp lý tại thời điểm cuối năm khi mà nhu cầu vốn tăng và mặt bằng lãi suất cho vay cũng khá cao" - TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng đánh giá.

Việc NHNN giảm trần lãi suất và một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu hiện mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn khá cao, việc giảm lãi suất sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ hơn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mức giảm 0,5% sẽ tác động không nhiều và cần độ trễ của chính sách để đo lường tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Trung bình doanh nghiệp Việt Nam đang vay và trả lãi ngân hàng với lãi suất khoảng 9-10%/năm, nếu giảm 0,5%/năm thì cũng chỉ giảm chỉ phí mức độ rất thấp. Theo tôi, nếu muốn giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp cần giảm lãi suất 1%/năm” - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Có làm giảm lợi nhuận ngân hàng?

Theo lãnh đạo một số ngân hàng, đợt giảm lãi suất này sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng, nhưng tác động không nhiều. Vietcombank là ngân hàng có quy mô giảm lãi suất lớn nhất với khảng 320.000 tỷ đồng dư nợ - bẳng tổng tín dụng của một ngân hàng thương mại tâm trung.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank tính toán, lợi nhuận ước tính của Vietcombank có thể giảm 260 tỷ đồng trong hai tháng cuối năm từ đợt giảm lãi suất này, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Còn theo đánh giá của TS Nguyễn Trí Hiếu,  giảm lãi suất sẽ giảm doanh thu từ lãi cho các ngân hàng. Thế nhưng, song song với giảm lãi suất cho vay thì ngân hàng cũng sẽ giảm lãi suất huy động theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Điều này dẫn đến chi phí vốn của các ngân hàng cũng giảm, biên độ lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được duy trì khoảng 3%. Thành ra doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của họ có thể được duy trì.

Về vĩ mô, có 2 vấn đề sẽ đặt ra khi các ngân hàng giảm lãi suất. Đầu tiên là lạm phát, theo lý thuyết giảm lãi suất tức là Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ, do vậy có thể tác động làm gia tăng lạm phát.

Tuy nhiên, thời điểm này, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát một cách rất hiệu quả với mục tiêu năm nay tỷ lệ lạm phát dưới 4%. Vì vậy, việc giảm lãi suất khoảng 0,5% được cho là vẫn ở trong mức độ mà Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát được, không để bùng phát lạm phát.