Giảm lãi suất ngân hàng: Doanh nghiệp có dễ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ?

ANTD.VN - Theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm phổ biến 2-2,5%/năm, tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cá nhân đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, triển khai thực tế sẽ còn nhiều vấn đề cần bàn.

Dung hòa xung đột lợi ích

Đánh giá về gói chính sách giải cứu doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, chưa bao giờ Chính phủ hành động quyết liệt như bây giờ. Tuy nhiên, việc triển khai gói tín dụng ưu đãi sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề và cần có những giải pháp thực tế hơn.

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, ngân hàng là một DN, vì vậy giảm lãi hay giãn nợ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của ngân hàng.

Nhưng vì chủ trương chung của các ngân hàng là chia sẻ với đất nước và cộng đồng DN, nên họ đã có chính sách tiết giảm lợi nhuận trong năm nay.

Tuy nhiên, lấy nguồn đó chia sẻ ra sao, tỷ lệ hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào, với tiêu chí gì, phải rõ ràng thì mới đi vào thực tiễn được.

“Ví dụ muốn giảm lãi, cần có gửi văn bản yêu cầu hỗ trợ, nhưng cũng kéo dài khoảng hơn 1 tháng, nếu không tác động thì ít khi được trả lời. Hầu như phía ngân hàng sẽ nói là nhiều doanh nghiệp đăng ký và chúng tôi đang xem xét tiêu chí.

Giãn nợ cũng vậy, ngân hàng đồng ý giãn nợ nhưng tích vào trong đó là nếu không khéo thì sẽ cân nhắc nâng nhóm, muốn vay lại sẽ khó” – ông Đặng Hồng Anh cho biết.

Vì vậy, theo ông Đặng Hồng Anh, nếu các chi nhánh ngân hàng không được giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận thì chắc chắn chi nhánh đó sẽ “làm lơ”, vì nếu giảm lãi suất  thì sẽ không đạt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hàng tháng, hàng quý.

“Mong là các NHTM phải có chỉ thị quyết liệt thì hỗ trợ cho doanh nghiệp mới nhanh được” – ông Anh nói.

Vị đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ cũng đề nghị NHNN cần có tổng đài SOS cho doanh nghiệp, nếu các điều kiện chính đáng của họ mà NHTM không giải quyết thì xử lý ra sao.

Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho rằng ngân hàng cũng là 1 DN, vì thế việc xung đột lợi ích hoàn toàn có thể xảy ra.

“Nhưng đặc thù của ngành ngân hàng là có cơ quan chủ quản là NHNN, vì thế độ rủi ro ít hơn các DN, đặc biệt là DNNVV.

Do đó, giải pháp là 2 bên cùng hỗ trợ nhau. DN hoàn thiện hồ sơ đi vay tốt nhất có thể, còn ngân hàng thì xuống điều kiện 1 chút. Chúng ta cần phải chia sẻ với nhau. Ví dụ, các NHTM cũng đã giảm lãi suất, nhưng để được giảm thì DN cần phải chứng minh. Chúng ta có thể giãn nợ cho DN để không bị xếp vàonhóm "đèn đỏ", nhưng phải viết đơn” – ông Thân nói.

Không phải cứ thấy dễ là vay

Các chuyên gia cũng đồng tình trong quá trình triển khai gói tín dụng hỗ trợ DN, nhiều khi phải chấp nhận sự trục lợi, người cần vay chưa được vay mà người chưa cần lại được. Tuy nhiên, không vì một số nhỏ mà ảnh hưởng đến số lớn những người đang bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, các DN không phải cứ thấy dễ là vay. Theo ông Đặng Hồng Anh, với DNNVV, nền tảng, điều kiện, tích lũy tư bản chưa có nhiều, trong mùa dịch mà không có kế hoạch hậu dịch phát triển thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ và có thể ảnh hưởng đến ngân hàng.

“Khoảng 2 tháng nữa thì ngân hàng cũng sẽ rơi vào khó khăn khi vay tiêu dùng, vay bán lẻ… bị ảnh hưởng. Tôi khuyên DNNVV chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay. DN có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn” – ông Đặng Hồng Anh nói.

Ông Nguyễn Văn Thân cũng khuyến nghị các DN “đừng thấy cho vay dễ dàng mà cứ thế đi vay, vì cứ chạy theo lãi suất và nợ phải trả sẽ không còn sức sáng tạo”.

Vấn đề là trách nhiệm hỗ trợ của các hiệp hội là rất quan trọng, phải thúc đẩy DN hoàn thiện hồ sơ giấy tờ để hiệp hội giúp đỡ đi vay tại các ngân hàng, vì các ngân hàng đang có rất nhiều gói cho vay.