"Giảm giá vé máy bay cho dân nhờ!"

ANTĐ - Đề nghị này được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nêu ra với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines. Theo Bộ trưởng, giảm giá vé máy bay “cho dân nhờ” vì kinh doanh năm 2015 đã có lãi lớn. Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa có văn bản yêu cầu 3 hãng hàng không nội địa tính toán, giảm giá vé cho người tiêu dùng.

"Giảm giá vé máy bay cho dân nhờ!" ảnh 1

Giá trần không sát?

Công văn của Cục Hàng không Việt Nam gửi Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific cho biết, trong năm 2015, giá nhiên liệu bay Jet A1 giảm rõ rệt. Đặc biệt vào ngày 31-12-2015, giá nhiên liệu tiếp tục hạ, tác động tích cực đến thị trường vận tải nói chung và thị trường vận chuyển hàng không nói riêng. Do vậy, Cục Hàng không yêu cầu các hãng nghiên cứu, xây dựng các phương án giảm giá, xuất bán nhiều loại vé giá thấp, đưa thêm chương trình khuyến mại… tạo điều kiện hơn nữa cho người dân tham gia giao thông đường không.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong năm 2015, Cục Hàng không đã điều chỉnh giảm tối đa mức giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi với mức giá đặc biệt, có loại vé tặng cho khách hàng. “Trong đợt này, các hãng sẽ tiếp tục tính toán và có sự điều chỉnh phù hợp với tỷ lệ giảm của chi phí xăng dầu”, ông Lại Xuân Thanh thông tin. 

"Giảm giá vé máy bay cho dân nhờ!" ảnh 2

Mặc dù Bộ Tài chính đã đưa ra mức giá trần hàng không, nhưng đến thời điểm hiện tại, giá vé cao nhất của các hãng cũng chưa đạt mức giá trần quy định vì tính cạnh tranh trong hàng không nội địa khá gay gắt. Điều này đã khiến không ít người đặt vấn đề, phải chăng mức giá trần mà liên ngành tài chính và hàng không khi xây dựng còn chưa sát thực tế? Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, mức giá trần vé máy bay đưa ra phù hợp với tính toán chi phí của giá xăng dầu và nhiều chi phí khác. “Mức giá trần vé máy bay cao là để các hãng hàng không có nhiều khung giá khác nhau nhằm tăng sự lựa chọn cho hành khách”, ông Lại Xuân Thanh lý giải.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện các hãng hàng không đều đề nghị bỏ quy định mức giá trần mà để vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh giữa các hãng. Song thực tế cho thấy, quy định về mức giá trần vẫn có những ưu điểm và mang lại hiệu quả nhất định trong quản lý Nhà nước.  

Hàng không lãi lớn

Theo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015 của Vietnam Airlines, tổng doanh thu hợp nhất của hãng là 70.000 tỷ đồng, tăng 129% so với kế hoạch. Lợi nhuận công ty mẹ tăng 44% so với kế hoạch đầu năm 2015, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 hãng hàng không giá rẻ là Vietjet Air và Jetstar Pacific cũng đều báo có lãi, thậm chí lãi lớn. Trong khi đó, giá nhiên liệu Jet A1 đang có xu hướng giảm dần hơn một năm qua.

Thống kê giá bán tại khu vực châu Á (giá Platts) cho thấy, trung bình loại nhiên liệu này trong tháng 11-2015 là 57,457 USD/thùng (chưa kể thuế, phí), giảm hơn 40% so với mức giá cùng thời điểm năm  trước (96,406 USD/thùng). Đến tháng 12-2015, giá xăng máy bay tiếp tục giảm còn 47,66 USD/thùng, giảm hơn 39% so với mức giá 78,357 USD/thùng cùng kỳ năm 2014. Tính toán của Cục Hàng không cho thấy, xăng dầu chiếm 39% chi phí của hãng hàng không, vì vậy khi giá xăng dầu giảm thì chi phí của các hãng cũng giảm mạnh, việc giảm giá vé là thích đáng.

Ngoài ra, năm 2015 tiếp tục là một năm ghi nhận sự tăng trưởng “nóng” của vận tải hàng không nội địa. Đã có hơn 40 triệu khách đi lại bằng đường hàng không nội địa, tăng 21,2%  (tương đương 3 triệu lượt hành khách) so với năm 2014. Trong đó có một lượng lớn khách dịch chuyển từ vận tải đường bộ sang do giá vé máy bay nhiều chặng còn rẻ hơn vé ô tô.

Vẫn than khó

Trước sức ép từ Cục Hàng không, đại diện các hãng hàng không đều cho rằng, giá vé máy bay hiện đã rất thấp. Tại một số đường bay từ TP. HCM tới các tỉnh Tây Nguyên như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột..., có thời điểm vé máy bay chỉ còn 250.000 đồng/lượt, rẻ hơn cả vé ô tô và đã khiến vận tải đường bộ phải giảm giá theo.

Cũng vì giá vé máy bay khá mềm nên nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới tăng rất cao, nhiều đường bay đã hết vé khiến các hãng đều lên kế hoạch tăng tải lớn. Hãng Vietjet Air cho biết, sẽ tăng tải thêm 800 chuyến bay để phục vụ trong giai đoạn Tết Nguyên đán, còn Vietnam Airlines cũng tăng thêm khoảng 800 chuyến bay một chiều trên các đường bay có nhu cầu lớn gồm cả nội địa và quốc tế. Tổng số ghế cung ứng trong dịp cao điểm Tết lên gần 2,1 triệu chỗ, tăng 7% so với thường lệ và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, đại diện Vietnam Airlines cho hay, hãng vừa tiếp tục có một đợt mở bán giá vé khuyến mãi với mức chỉ từ 299.000 đồng/chiều đến 999.000 đồng/chiều. Vé được mở bán đến hết tháng 1-2016, áp dụng cho hành trình bay từ tháng 1-2016 đến hết 31-3-2016. Tương tự, đại diện Jetstar Pacific cho hay, ngay đầu tháng 1-2016, hãng đã mở bán vé giá rẻ đặc biệt với 20.000 vé giá chỉ từ 16.000 đồng/chặng, trên 20 đường bay nội địa và quốc tế. Đây là một trong những chương trình khuyến mãi lớn đầu năm được Jetstar Pacific thực hiện nhằm mang lại cơ hội tiết kiệm chi phí đi lại cho cộng đồng.

Các hãng hàng không nội địa cho biết, mặc dù trong năm 2015 giá xăng Jet A1 đã giảm mạnh nhưng phí môi trường “đánh” vào xăng dầu lại tăng lên 3.000 đồng/lít (trước đó là 1.000 đồng/lít), tăng thêm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Biến động tỷ giá trong năm 2015 (5-6%) đã làm tăng chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng gồm: thuê, mua máy bay, chi phí nhân công người nước ngoài... cũng đã giảm bớt phần lợi nhuận có được do giảm giá xăng dầu mang lại. Cũng bởi vậy, văn bản của Cục Hàng không cũng chỉ là yêu cầu các hãng tính toán và nghiên cứu để tăng các khung giá vé khác nhau, trong đó ưu tiên vé giá thấp, vé khuyến mãi. Như vậy có nghĩa là, vé máy bay có giảm tiếp hay không thì vẫn… phải chờ.

Cần cơ chế để buộc giảm giá vé khi giá xăng dầu đi xuống

 “Hiện tại không có cơ chế nào để buộc các hãng hàng không phải điều chỉnh giảm giá khi giá xăng dầu đi xuống. Có thể các hãng hàng không đã lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao, lượng vận chuyển lại có hạn, để không xuống giá. Nhưng giá đắt thì người tiêu dùng dễ quay lưng, bởi giá cả và chất lượng phải đi liền với nhau. Chi phí đầu vào giảm thì giá dịch vụ cũng phải giảm tương ứng, hợp lý”.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS)