"Giải cứu" nông sản được mùa, mất giá điệp khúc chưa có hồi kết

ANTD.VN - Đầu năm 2018, thị trường nông sản lại rầm rộ với cuộc “giải cứu” củ cải của nông dân huyện Mê Linh (Hà Nội) và su hào của nông dân huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). 

Nhiều tổ chức đoàn, hội đã tham gia “giải cứu” củ cải giúp nông dân huyện Mê Linh

Còn gì chưa “giải cứu”?

Người tiêu dùng hiện đã quen thuộc với cụm từ “giải cứu nông sản”, từ thịt lợn, dưa hấu, đến hành tỏi và giờ là củ cải, su hào. Đáng nói, trong khi hàng nghìn tấn su hào của nông dân Mê Linh, Hà Nội chưa được “giải cứu” xong thì hiện giá khoai tây của nông dân Văn Quan, Lạng Sơn cũng đang tụt thê thảm. Giá khoai tây chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Đáng nói, đây là giá khoai tây tuyển loại 1. Theo người dân phản ánh, do năm nay khoai tây được mùa, năng suất cao nhưng lại mất giá.

Trong khi đó, chỉ khoảng 1 tháng trước, giá khoai tây vẫn còn bán được 8.000-10.000 đồng/kg. Hiện, một số đoàn, hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng đã phát động “giải cứu” khoai tây giúp bà con vùng Văn Quan. Còn tại Hà Nội, phong trào “giải cứu” củ cải giúp nông dân Mê Linh cũng đang được mở rộng. Không chỉ các siêu thị, mà các tổ chức đoàn, hội cũng tham gia chung tay “giải cứu” củ cải.  

Một lý do chính dẫn đến tình trạng dư thừa vẫn là do nông dân thiếu thông tin về thị trường, sản xuất theo lối cũ, chạy theo cái đắt đỏ tức thì, mà không lường trước được việc thị trường sẽ bão hòa, thậm chí thừa cung.

Tình trạng “được mùa, mất giá” đã diễn ra nhiều năm nay, những cuộc “giải cứu” tình thương vẫn tiếp tục diễn ra. Và, một lý do chính dẫn đến tình trạng dư thừa vẫn là do nông dân thiếu thông tin về thị trường, sản xuất theo lối cũ, chạy theo cái đắt đỏ tức thì, mà không lường trước được việc thị trường sẽ bão hòa, thậm chí thừa cung.

Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cũng như các Sở, ngành liên quan của Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Xuyên, Bí thư xã Tráng Việt, Mê Linh cho biết, sau vụ củ cải dư thừa này, địa phương sẽ phải tính đến việc cơ cấu cây trồng phù hợp với thời tiết và thị trường, không tập trung chỉ trồng củ cải với diện tích và sản lượng lớn. Về lâu dài, huyện Mê Linh và TP Hà Nội nên xây dựng cơ sở hạ tầng để trồng rau an toàn, phát triển thị trường bao tiêu có hợp đồng ký kết để đảm bảo ổn định đầu ra cho nông dân. 

Sẽ có 8 nhà máy chế biến trong năm 2018

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT thông tin, diện tích trồng cây vụ đông xuân 2017-2018 đạt 400.000ha, trong đó diện tích rau là 190.000ha, vượt 2.000ha so với năm 2016-2017. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, có 3 lý do chính khiến rau dư thừa và sụt giá. 

Thứ nhất, năm nào cũng vậy thời điểm bắt đầu cấy lúa xuân, nông dân sẽ dọn vườn, đối với vùng rau không chuyên canh (2 lúa, 1 vụ đông), nông dân phải giải phóng ruộng để chuyển sang cấy lúa xuân. Và cứ đến thời điểm đó giá rau năm nào cũng giảm trong giai đoạn ngắn khoảng 15 ngày. 

Thứ hai, tranh thủ giá rau đang cao ở thời điểm lứa thứ hai của rau vụ đông, một số nông dân tranh thủ trồng lứa thứ nhất rau vụ xuân từ rất sớm (sớm hơn 1 tháng) để tận dụng bán giá cao. Vì vậy thời điểm thu hoạch rau vụ xuân lại trùng với thời điểm thu hoạch của rau vụ đông lứa thứ hai nên lượng rau thu hoạch tăng lên ở cùng một thời điểm, chính vì vậy rau tiêu thụ bị dồn ứ. 

Thứ ba là thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, thời tiết ấm nên một số rau nhiệt đới xuân hè (rau dền, muống, mồng tơi…) để thay thế cho các loại rau vụ đông, xuân (su hào, bắp cải, súp lơ, củ cải…) phát triển rất nhanh. Đến đầu tháng 3 đã có sản phẩm trên thị trường nên một số rau vụ đông tiêu thụ chậm lại.

Để khắc phục dần tình trạng “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, một trong những giải pháp cần đẩy mạnh thực hiện là nông dân cần tham gia vào chuỗi sản xuất, cùng liên kết lại với nhau thành tổ đội sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã. Việc này giúp người nông dân sản xuất chủ động, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ được ký kết trước khi vào vụ.

Nếu liên kết sản xuất, nông dân sẽ không rơi vào tình cảnh bấp bênh về giá, sản xuất ra không biết bán cho ai. “Hiện nay tỷ lệ chế biến rau còn rất thấp, rau củ tươi chủ yếu tiêu thụ nội địa, chính vì vậy áp lực tiêu thụ trong nước rất lớn. Nhận ra yếu điểm này, Bộ NN&PTNT đã tích cực tạo điều kiện thúc đẩy phát triển vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến.

Theo dự kiến năm nay chúng ta sẽ có 8 nhà máy chế biến được xây dựng với công suất từ 1-1,2 triệu tấn, trước mắt tập trung sản phẩm cây ăn quả. Dự báo, thời gian tới, việc dồn ứ rau củ quả trong một thời điểm cũng sẽ giảm dần”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhìn nhận. Về lâu dài, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, sẽ rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, đặc biệt là đợt rau gối giữa vụ xuân và vụ hè để có những điều chỉnh, cảnh báo về cung cầu thị trường từ đầu để nông dân tránh được tình trạng xảy ra như thời gian vừa qua.

Củ cải dư thừa của nông dân huyện Mê Linh, Hà Nội phơi trắng đồng

Định hướng lại sản xuất

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, cần định hướng lại sản xuất, tránh tình trạng dồn ứ sản phẩm cục bộ, liên kết sản xuất với tiêu thụ, thông tin rõ về nhu cầu thị trường để người dân biết và có hướng sản xuất phù hợp.

Nhận thức rõ hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định giữa doanh nghiệp với người dân là cần thiết và lâu dài, vào siêu thị phải đúng mẫu mã, chất lượng, tem nhãn nhận diện sản phẩm. Cục sẽ phối hợp với các Sở NN&PTNT giới thiệu một số doanh nghiệp đầu tư chế biến dây chuyền sấy khô, nhưng phải đa dạng hóa sản phẩm khác, nếu chỉ có mỗi sản phẩm thì sẽ thất bại. 

Dưới góc độ tiêu thụ, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội bày tỏ, muốn sản xuất phải nắm vững cung, cầu định hướng sản xuất cho phù hợp, chính quyền địa phương cần xem vùng đất có thể trồng loại rau khác, thay vì chỉ trồng trọng yếu một loại rau củ dễ dẫn đến dư thừa. Bên cạnh đó, nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất, tiến tới sản xuất các mặt hàng an toàn, có kênh tiêu thụ bền vững không nên chỉ mang ra chợ.

Ghi nhận từ Sở Công Thương cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng vào siêu thị mua sắm đã tăng 10-20% so với năm trước. Bởi vậy, ngoài tăng sản lượng, sản phẩm nông sản làm ra cũng phải hướng tới mẫu mã, chất lượng, cách tốt nhất là xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng gắn bó với sản phẩm.