Giá xăng giảm, giá cước vẫn dậm chân

ANTĐ - Xăng dầu liên tục giảm, vậy sao giá cước của các doanh nghiệp vận tải chỗ thì “dậm chân”, chỗ giảm thì nhỏ giọt? Ngày 4-1 vừa qua, giá xăng chính thức được điều chỉnh giảm 373 đồng/lít, dầu diesel giảm 865 đồng/lít, dầu hỏa giảm 791 đồng/lít, dầu mazut giảm 616 đồng/kg. 

Giá xăng giảm, giá cước vẫn dậm chân ảnh 1

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương yêu cầu phối hợp với Sở GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước và việc thu giá cước theo đúng giá niêm yết.

Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chú trọng theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu để kiểm tra, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô rà soát giá nhiên liệu hiện hành với giá nhiên liệu trong phương án kê khai liền kề trước để kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu. Thế nhưng… thực tế diễn ra là lực lượng chức năng từ hô hào đến thanh tra, kiểm tra nhưng giá cước vẫn không được các doanh nghiệp vận tải “chỉ đạo” giảm cho tương xứng với mức giảm của xăng, dầu.

Rốt cuộc cái sự chậm chạp ấy cũng chỉ vì hai tiếng lợi nhuận, còn chuyện nghĩ cho hành khách thì cứ… từ từ. Nếu cứ giữ nguyên giá cước, xăng dầu giảm, mỗi tháng, doanh nghiệp vận tải cũng “đút túi” thêm được một số tiền không nhỏ; chưa kể đến lợi nhuận từ cước “đính kèm” khi nhận vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm… Và doanh nghiệp càng lớn, chạy tuyến càng dài thì lợi nhuận càng nhiều. Cứ như vậy thì họ sẵn sàng lờ đi cái yêu cầu, công văn lẫn sự “thúc ép” của các lực lượng chức năng. Một nghịch lý của xã hội được thiết lập khi các doanh nghiệp thì lãi trong khi người dân vẫn phải chịu mức giá không đổi. 

Có lẽ đã đến lúc cần phải xây dựng một chế tài riêng cho việc xử phạt chứ không phải chỉ kiểm tra rồi nhắc nhở, rồi đâu lại vào đấy, căng quá thì giảm nhỏ giọt chống chế cho có. Khi xăng, dầu giảm ở mức độ nào đó, doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải kê khai giảm giá cước; đồng thời cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không những không giảm giá cước theo sự giảm của giá xăng mà còn để tăng giá ở mức cao. Giảm giá xăng, dầu người dân được lợi, doanh nghiệp vận tải vẫn có lãi thì đừng để những thứ bất hợp lý vẫn tiếp tục tồn tại.