Giá tiêu dùng lại rậm rịch tăng

(ANTĐ) - Ăn theo đà tăng giá xăng, tỷ giá liên ngân hàng, vừa qua, nhiều mặt hàng trên thị trường lại rục rịch tăng giá. Khi tỷ giá USD vừa được điều chỉnh thì một số siêu thị, nhãn hàng đã có thông báo tăng giá sản phẩm. Lo ngại về một đợt tăng giá mới là hoàn toàn có cơ sở.

Giá tiêu dùng lại rậm rịch tăng

(ANTĐ) - Ăn theo đà tăng giá xăng, tỷ giá liên ngân hàng, vừa qua, nhiều mặt hàng trên thị trường lại rục rịch tăng giá. Khi tỷ giá USD vừa được điều chỉnh thì một số siêu thị, nhãn hàng đã có thông báo tăng giá sản phẩm. Lo ngại về một đợt tăng giá mới là hoàn toàn có cơ sở.

Nhiều mặt hàng lại rậm rịch tăng giá
Nhiều mặt hàng lại rậm rịch tăng giá

Phía Nam tăng, phía Bắc đang cân nhắc

Rất nhanh nhạy trong việc phản ứng với thị trường, ngay sau động thái điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, các DN tại khu vực phía Nam đã có thông báo về việc tăng giá bán gas, trong khi các DN phía Bắc vẫn chưa có động thái gì cụ thể. Cụ thể, ngay từ sáng 19-8, giá gas SaiGon Petrol có mức bán lẻ là 244.000 đồng/bình. Công ty cổ phần Năng lượng Đại Việt (Vinagas), Petro gas, Shell gas, Petrolimex Gas... cũng đồng loạt tăng giá 4.000 đồng/bình 12kg… Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm nay, gas tăng giá.

Lý do các công ty đưa ra là do lượng gas nhập khẩu chiếm tới 40-50% nhu cầu trong nước, nên họ buộc phải tăng giá khi tỷ giá liên ngân hàng được điều chỉnh lên 18.932 VND/USD, tăng 388 đồng so với mức cũ, kéo theo tỷ giá của các ngân hàng thương mại lên mức 19.460 đồng/USD. Đại diện gas Petrolimex cho biết, với lượng gas tiêu thụ lên tới 11.000 tấn/tháng thì việc tỷ giá tăng 200-300 đồng đã gây “thiệt hại” cho doanh nghiệp khoảng 2 tỷ đồng.

Mặt khác, ngay từ khi có quyết định công bố tăng giá xăng từ các đơn vị kinh doanh, nhiều hệ thống siêu thị Maximark, Citimart, đã cho biết sẽ có 300 mặt hàng tiêu dùng tăng giá bắt đầu từ cuối tháng 8 này với mức tăng trong khoảng 3 - 12%. Các mặt hàng tăng giá tập trung nhiều nhất ở nhóm thực phẩm như đồ hộp, bánh kẹo với gần 100 loại, mức tăng bình quân 5%; dầu ăn tăng 3%; hóa mỹ phẩm tăng 5 - 8%; gia dụng tăng 4 - 5%, hàng may mặc tăng giá khoảng 5 - 12%. Lý do tăng giá, theo ghi nhận từ hơn 100 nhà cung cấp hàng cho siêu thị là do: giá đường tăng, nguyên liệu đầu vào như hóa chất, bao bì tăng, tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng… Tuy nhiên, khi các siêu thị công bố mức tăng giá này, thời điểm đó, tỷ giá của các ngân hàng niêm yết mới kịch trần ở 19.100 đồng/USD. Đến thời điểm này, khi tỷ giá đã ở gần 19.500 đồng, có thể mức giá tăng sẽ cao hơn dự kiến.

Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, đại diện hầu hết các siêu thị đều cho biết, chưa có niêm yết tăng giá đối với bất kỳ nhóm hàng nào, dù cũng đã nhận được thông báo tăng giá từ phía một số nhà sản xuất, phân phối. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Fivimart cho biết vào chiều 19-8, trên hệ thống siêu thị Fivimart vẫn chưa có bất kỳ mặt hàng nào tăng giá, mọi sản phẩm vẫn được bán ra với giá cũ. Tại siêu thị BigC, chị Nguyễn Thanh Huyền, phụ trách truyền thông cho biết, hầu hết các sản phẩm đang được bày bán tại siêu thị đều vẫn giữ mức giá ổn định, chưa có biến động. Duy chỉ có nhóm hàng đông lạnh và rượu bia sẽ có mức tăng từ 5-7% vào cuối tháng 8 này.

Một đợt tăng giá mới

Cũng theo chị Huyền, siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá sữa đối với hãng Abbot và Dumex nhưng phía siêu thị vẫn đang đàm phán với nhà phân phối để đạt được mức tăng hợp lý nhất. Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin phát triển NNNT, đối với nhóm hàng nông sản trong nước như rau củ quả, thủy hải sản... cũng đã có sự tăng giá nhẹ từ 1-2% so với 1 tuần trước đó. Còn bà Hậu cho hay, phía siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá của một số nhóm hàng như dầu ăn, bánh kẹo. Đặc biệt, với việc điều chỉnh tăng tỷ giá, bà Hậu dự đoán, trong thời gian tới, chắc chắn các mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng.

Trong các mặt hàng đang tăng giá hiện nay, việc tăng giá sữa và gạo đang làm người tiêu dùng lo lắng nhất bởi sản phẩm nằm trong nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của các gia đình. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm 3A, nhà phân phối mặt hàng sữa Abbott (Hoa Kỳ) mới đây đã thông báo tăng giá 8% đối với 7 sản phẩm sữa của hãng  Abbott là Similac IQ 400g, Similac IQ 900g, Similac Gain IQ 400g, Similac Gain IQ 900 g, Gain Plus IQ 400g, Gain Plus IQ 900g, Gain Plus IQ 1,7kg. Trước đó, trong tháng 7 sữa bột, sữa nước của các nhãn hiệu Dumex, Cô gái Hà Lan, XO… cũng đã tăng giá 2,5 - 10%. Tính bình quân giá sữa trên toàn thị trường đã tăng 8,56% so với mức giá cuối năm 2009. Còn giá gạo có thương hiệu đang bán trong một số hệ thống siêu thị đã tăng giá bình quân 1.000 - 2.000 đồng/kg, gạo bán ở các điểm bán lẻ bên ngoài tăng 500 - 1.000 đồng/kg.

Việc các mặt hàng đồng loạt tăng giá gây sức ép tương đối lớn lên vai người tiêu dùng. Theo chu kỳ lặp lại qua các năm, thường về nửa cuối năm, các mặt hàng tiêu dùng thường có sự tăng giá, đặc biệt, càng về cuối năm thì mức tăng càng mạnh. Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ dễ dẫn đến trường hợp té nước theo mưa, việc tăng tỷ giá liên ngân hàng sẽ là cái “cớ” để nhiều mặt hàng tăng giá.

Ngân Tuyền