Giá thịt lợn Việt Nam đắt hơn bình quân thế giới, lợn Trung Quốc ùn ùn đổ về

ANTD.VN - Lợn Trung Quốc đang ồ ạt dội ngược về Việt Nam, bởi giá thịt lợn tại thị trường này đang thấp hơn so với giá lợn tại Việt Nam khoảng 15.000 đồng/kg. Đáng nói, lợn ồ ạt về Việt Nam theo đường tiểu ngạch, không kiểm soát được về dịch bệnh.

Từ tháng 5, 6 tới nay, lực lượng  chức năng các địa phương khu vực biên giới như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… liên tiếp phát hiện lợn Trung Quốc được nhập lậu về Việt Nam.

Thậm chí, người dân một số khu vực giáp biên đã sang Trung Quốc mua lợn thịt, lợn giống mang về thị trường trong nước tiêu thụ kiếm lời. Toàn bộ các vụ việc mua bán đều không có giấy tờ cũng như kiểm dịch thú y.

Theo phản ánh của người dân các bản: Vắn Tốc, Mốc 13 (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà) và Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái), từ đầu tháng 5-2018, tại khu vực biên giới, rất nhiều người dân địa phương và một số địa phương khác lội qua sông biên giới sang Trung Quốc mua lợn, vận chuyển trái phép về Việt Nam tiêu thụ.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa bắt giữ 3 tấn lợn nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam

Lực lượng chức năng cũng đã liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển lợn trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam. Cụ thể, vào hồi 6h30 ngày 9-5 tại khu vực cần chắn barie, Trạm kiểm soát biên phòng Bắc Phong Sinh, Đồn Biên phòng Quảng Đức phối hợp với tổ kiểm soát Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh đã bắt giữ xe ô tô tải BKS 17C-051.07 chở 12 con lợn nái, tổng trọng lượng 1,3 tấn có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Số lợn trên được các đối tượng vận chuyển khai nhận, mua của người dân Trung Quốc với giá 2 triệu đồng/con, sau đó nhập lậu về xã Quảng Minh giết mổ để bán ra chợ.

Hay vào hồi 10h45 ngày 31-5, tại khu vực mốc 1343 (2), thuộc bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức (Hải Hà), lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải BKS 14C-203.71 đi từ phía kè biên giới lên quốc lộ 18C, trên xe chở 35 con lợn giống, tổng trọng lượng 350kg.

Đối tượng vận chuyển khai nhận, đã sang Trung Quốc, vào nhà hộ dân ở giáp biên giới mua 35 con lợn này với giá 5.250 nhân dân tệ (hơn 18,2 triệu đồng).

Lực lượng chức năng Quảng Ninh tiêu hủy lợn Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam (ảnh Vi Thu)

Gần đây nhất, vào 23h ngày 17-6 tại khu vực đường mòn km14, thuộc thôn 6, xã Hải Tiến (Móng Cái), Tổ tuần tra kiểm soát Đồn Biên phòng Bắc Sơn phát hiện xe ô tô tải BKS 14C-16756 chở 8 con lợn, tổng trọng lượng 1 tấn có nguồn gốc từ Trung Quốc.  Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã tạm giữ phương tiện và tang vật, lập biên bản xử lý và tiêu hủy toàn bộ 8 con lợn theo quy định.

 Còn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, theo UBND tỉnh, do giá của một số loại động vật biến động tăng cao, thời gian gần đây, các loại lợn thịt (trong đó chủ yếu là lợn nái thải loại), lợn con thương phẩm; gia cầm và sản phẩm từ gia cầm; cá tầm được một số tư thương nhập lậu qua biên giới thông qua các lối mòn, lối mở vào địa bàn tỉnh tiêu thụ.

Tỉnh Lào Cai đã phải chỉ đạo Sở NN&PTNT, các huyện, thành phố cùng lực lượng chức năng Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Chi cục kiểm dịch động vật vùng... tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn nạn nhập lậu động vật và các sản phẩm từ động vật trên tuyến biên giới và trong nội địa.

Trong khi đó, vào đầu tháng 5 vừa qua, trước tình hình giá lợn hơi trong nước tăng mạnh, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương đã cảnh báo, nguy cơ lợn từ các nước lân cận có thể tràn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nếu không được kiểm soát tốt.

Theo ông Dương, nếu không kiểm soát kỹ thì nguy cơ lợn Trung Quốc sẽ sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch, gây xáo trộn trên thị trường, nhất là ở các tỉnh miền Bắc giáp ranh Trung Quốc.

Đáng lo ngại, thịt lợn tại thị trường Trung Quốc đang có mức chênh rất lớn với thị trường Việt Nam. Hiện tại, giá thịt lợn hơi tại thị trường này vào khoảng 10- 11 nhân dân tệ/kg (khoảng 35.000-38.000 đồng/kg). Đây là mức  giá thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Hiện, giá lợn tại thị trường miền Bắc Việt Nam đang vào khoảng 50.000-52.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu chững. Với mức giá này, Tổng cục Hải quan đánh giá, cao hơn mức bình quân của thế giới khoảng 5.000-7.000 đồng/kg.