Sau khi lò mổ Thịnh Liệt đóng cửa:
Giá thịt lợn tăng mạnh
(ANTĐ) - Sau 2 ngày lò mổ Thịnh Liệt đóng cửa, lượng thịt lợn về các chợ khu vực nội thành giảm rõ rệt. Lượng giảm, kéo theo giá thịt tăng. Nếu không sớm ổn định tình hình, tình trạng khan thịt với mức giá cao sẽ xảy ra.
Theo nhận định từ Sở Công Thương Hà Nội, hàng ngày, lò mổ Thịnh Liệt cung cấp từ 60-70% lượng thịt cho các chợ dân sinh khu vực nội thành. Trung bình mỗi ngày, tại đây giết mổ từ 1.200-1.300 con lợn. Tuy nhiên, theo tiết lộ của 1 cán bộ thú y, đó chỉ là con số “ảo” để trốn các khoản phí phải đóng góp, còn thực tế, trung bình mỗi ngày tại đây cho “ra lò” từ 1.500-1.700 con lợn.
Giá thịt đã tăng mạnh trong 2 ngày qua |
Lò mổ Thịnh Liệt đã gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua do mức độ ô nhiễm môi trường, nằm trong khu dân cư, không đảm bảo ATVSTP. Bởi vậy, từ năm 2005, UBND TP Hà Nội đã có quyết định dẹp lò mổ này, song phải đến cuối năm nay, quá trình mới hoàn tất. Không để lò giết mổ thủ công ô nhiễm tồn tại trong khu vực nội thành là chủ trương đúng, tuy nhiên, khi thực hiện xóa lò mổ Thịnh Liệt, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Công Thương chưa có bước chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bằng chứng, 26 hộ tại Thịnh Liệt sẽ được bố trí về nơi giết mổ mới tại cụm CN Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Tuy nhiên, khu giết mổ này lại cách trung tâm TP tới 25-30km. Giá thuê mặt bằng đắt gấp nhiều lần so với ở Thịnh Liệt. Trong khi đó, tại các huyện lân cận Thanh Trì, Từ Liêm vẫn còn tồn tại nhiều điểm giết mổ chui.
Khảo sát tại một số chợ dân sinh khu vực nội thành vào ngày 2-12 như chợ tạm Phùng Hưng, chợ Kim Liên, chợ Thành Công cho thấy, thịt lợn về các chợ dù chưa ở mức độ khan hiếm, song giá đã tăng. Nỗi lo lắng hiện rõ trên gương mặt các chủ hàng.
Chị Dung, một chủ kinh doanh thịt tại chợ tạm Phùng Hưng cho biết, 2 sáng nay, chị phải vào tận Ba La (Hà Đông) để lấy hàng. “Lấy hàng khó khăn như thời bao cấp, giành giật nhau từ nửa con lợn”, chị Dung cho biết. Cũng theo chị Dung, do lò mổ Thịnh Liệt đóng cửa, nên 90% các hộ bán thịt ở chợ tạm Phùng Hưng phải đổ về Ba La lấy hàng, tình trạng này đã khiến giá lợn tăng. Chị Dung nói: “2 ngày nay, giá lợn móc hàm đã tăng thêm 4.000 đồng/kg. Mấy ngày trước, tôi lấy hàng ở Thịnh Liệt là 58.000 đồng/kg móc hàm, nhưng sáng 1 và 2-12, giá lợn tại Ba La là 62.000 đồng/kg”. Giá thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại chợ tạm Phùng Hưng sáng 2-12 đã tăng lên. Chị Dung cho biết, thịt nạc mông, nạc vai được bán với giá 100.000 đồng/kg, loại thịt rẻ nhất cũng có giá 80.000 đồng/kg.
Cùng chung nỗi khổ khi lò mổ Thịnh Liệt đóng cửa, các hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Thành Công cũng phải đi tìm kiếm nơi nhập hàng xa hơn, giá lợn nhập vào cũng tăng cao hơn mấy ngày trước. Ngay đến nhóm hàng thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn cũng tăng giá trong ngày 2-12. Chị Lan, một chủ cửa hàng kinh doanh mắm tép trên phố Hàng Bè cho biết, cơ sở sản xuất mắm tép chưng thịt Ngọc Mai, một trong những nhà cung cấp hàng cho cửa hàng chị đã thông báo nâng giá từ 170.000đ/kg lên 200.000đ/kg.
Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, có tình trạng trên là khi tham mưu cho TP về việc dẹp bỏ lò mổ Thịnh Liệt, Sở Công Thương đã không xây dựng 1 lộ trình cụ thể và phù hợp. Ông Vui cho rằng, giải tỏa một lò mổ cung cấp lượng thịt chủ đạo cho các chợ khu vực nội thành cần phải có tính toán việc bù đắp mức thiếu hụt, sắp xếp, bố trí cho các hộ di dời đến 1 địa điểm hợp lý hơn. Còn như hiện nay, là triệt tiêu bộ phận này nhưng lại làm lợi cho các lò mổ chui phát triển.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền cho biết, tính đến cuối ngày 30-11, có 4/26 hộ đăng ký vào cụm CN Bích Hòa để giết mổ. Tuy nhiên, sáng 1 và 2-12 không có hộ nào đến giết mổ. Bởi vậy, việc lo ngại về tình trạng các chủ lò mổ Thịnh Liệt sau khi “đình công” gây sức ép không có hiệu quả, sẽ đi giết mổ chui ở những khu vực lân cận là hoàn toàn có cơ sở.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, khi đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt, Sở đã giao cho Công ty TNHH Minh Hiền và cơ sở giết mổ Vinh Anh (Phùng Khoang) tăng số lợn giết mổ lợn hàng ngày để bù đắp lượng thịt thiếu hụt trên thị trường. Còn về giá thịt lợn tăng mạnh ở các chợ dân sinh, ông Đồng cho rằng, do nhiều nguyên nhân và trong đó có nguyên nhân do đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt. “Sở Công Thương sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác thường xuyên giám sát các khu vực xung quanh lò mổ Thịnh Liệt đề phòng các hộ thực hiện giết mổ chui”, ông Đồng nói.
Ngân Tuyền