Giá thịt lợn cuối năm nay sẽ giảm nhiệt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo dự báo của Bộ N&PTNT, khoảng cuối năm nay, giá thịt lợn sẽ giảm, chứ không còn cao chót vót như hiện nay. 

Báo cáo về tình hình nhập khẩu thịt lợn những tháng qua Cục Thú y cho biết, tính đến hết tháng 7, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 93.000 tấn thịt lợn đông lạnh, trong đó chủ yếu từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha và Nga… tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, nhập khẩu lợn sống giết mổ từ Thái Lan về cũng đã đạt hơn 70.000 con.

“Nhập khẩu thịt lợn hiện cũng gặp khó khăn là nguồn cung toàn thế giới giảm trong khi Trung Quốc tăng mua vào mạnh khiến giá thịt tăng cao, phải tìm được nguồn thịt với giá hợp lý. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập về cũng gặp khó khăn vì thuế nhập khẩu cao, vốn khó vay ngân hàng”- ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay.

Tính đến 1/8, đã có 36 lượt doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký kiểm dịch nhập khẩu hơn 4,7 triệu con lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam. Trong đó, có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 75.334 con lợn thịt vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.

Việt Nam đã nhập hơn 93.000 tấn thịt lợn đông lạnh từ các nước trong 7 tháng qua

Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, có hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.

Trên thị trường, giá lợn hơi, ngày 4/8, đang dao động ở mức 87.000-90.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi ghi nhận mức cao, trên mốc 87.000 đồng/kg đối với toàn vùng. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi điều chỉnh nhẹ 1.000 đồng/kg ở một số tỉnh thành. Mức giá phổ biến trong vùng được ghi nhận quanh mức 85.000 đồng/kg.

Ở khu vực miền Nam ghi nhận mức tăng giảm trái chiều tại một số tỉnh, thành trong vùng. Đáng chú ý, sau nhiều ngày biến động, giá thu mua tại đây vẫn duy trì quanh ngưỡng 86.000 - 87.000 đồng/kg, hiện xếp vị trí thứ hai trên cả nước.

Ông Phùng Đức Tiến cho hay, theo báo cáo từ các địa phương đến cuối tháng 6/2020, tổng đàn lợn đạt 24,9 triệu con, trong đó có hơn 2,8 triệu con nái; 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn có tốc độ tăng đàn 66,35%, cả nước khoảng 5%. Tính đến thời điểm này, tổng đàn bằng 85% so với cuối năm 2018.

“Việc tái đàn và đảm bảo cung - cầu cần có thời gian vì đàn lợn cần có chu kỳ sinh trưởng. Đến khoảng tháng 9-10/2019 mới bắt đầu khởi động lại và đến đầu năm 2020 mới có lợn giống.

Phải mất 6 tháng sau khi có lợn giống thì thị trường mới có sản phẩm từ việc tăng đàn này. Chúng tôi dự kiến cuối năm nay "cung - cầu" về thịt lợn mới có thể cân bằng”- lãnh đạo Bộ NN&PTNT dự báo.

Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y cho biết từ đầu năm đến hết ngày 2/8, cả nước phát sinh 914 ổ dịch tại 235 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 39.000 con, tổng trọng lượng gần 2.000 tấn.

Hiện nay, cả nước còn 178 xã thuộc 60 huyện của 17 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 6.633 con (trung bình mỗi xã có 37 con lợn bệnh phải tiêu hủy).

Trước tình hình trên, Bộ Nông NN&PTNT cho rằng, Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục tiếp tục thành lập đoàn công tác kỹ thuật đến các địa phương để đôn đốc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đối với các địa phương có dịch tái phát, thành lập ngay các đoàn công tác do lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở làm trưởng đoàn.

Đồng thời, cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ dịch tả lợn châu Phi để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tái phát, lây lan diện rộng.