Gia tăng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi
(ANTĐ) - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang gia tăng nhanh chóng trên thế giới cũng như ở Việt Nam và là nguyên nhân tử vong của trên 3 triệu người mỗi năm. Theo thống kê của BV Bạch Mai, ở miền Bắc nước ta có đến 5,2% người trên 40 tuổi mắc phải căn bệnh này. Dù là bệnh có thể dự phòng và điều trị được, song đáng lo ngại là có đến 25-50% người mắc COPD không được chẩn đoán sớm, khiến tỷ lệ tử vong cao.
Ảnh minh họa |
Thuốc lá là nguyên nhân chính
Tại khoa Hô hấp, BV Bạch Mai, những ngày đầu mùa đông, số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng đột biến. Hầu hết các phòng đều có hiện tượng nằm ghép, chỉ những bệnh nhân nặng thực sự mới được tạo điều kiện nằm một giường. Theo các bác sĩ, thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông, nhiệt độ, độ ẩm xuống thấp khiến các bệnh liên quan đến đường hô hấp gia tăng. Với những người cao tuổi, nhất là những người đã có tiền sử bệnh hô hấp, những người hút thuốc nhiều... thời tiết chuyển mùa khiến bệnh lý về đường hô hấp tái phát mạnh.
Chúng tôi được các bác sĩ khoa Hô hấp dẫn đến phòng điều trị bệnh nhân mắc bệnh COPD. Phòng này có 8 giường bệnh, ngoại trừ 2 giường dành riêng cho 2 bệnh nhân bị COPD rất nặng, phải thở máy, các giường còn lại đều nằm ghép đôi, ghép ba. Bệnh nhân Nguyễn Thành Đê, 62 tuổi, quê Văn Giang, Hưng Yên nằm điều trị tại đây đã gần 1 tháng.
Căn bệnh COPD của ông đã tiến triển đến giai đoạn 4, nghĩa là giai đoạn rất nặng và phải thở liên tục bằng máy thở xâm nhập Bipap. Cách đây 4 năm, bệnh nhân Đê thấy mình thường xuyên bị khó thở, có cảm giác như phế quản bị xẹp lại. Ông Đê nhập BV huyện, rồi BV tỉnh điều trị. Theo người nhà bệnh nhân, ông Đê nghiện thuốc lào từ thời trẻ và hút rất nhiều thuốc, chỉ khi phải đi viện mới bỏ được.
Nằm đối diện với giường bệnh nhân Đê là bệnh nhân Nguyễn Văn Lịch, 71 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội. Ông Lịch nhập viện Bạch Mai điều trị từ ngày 14-11, sau 1 tháng nằm điều trị tại BV Sơn Tây với căn bệnh được các bác sĩ ở đó chẩn đoán là tâm phế mãn. Tại khoa Hô hấp, BV Bạch Mai, các bác sĩ xác định bệnh nhân Lịch bị bệnh COPD, đã ở giai đoạn nặng và phải thở máy. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đây ông Lịch hút rất nhiều thuốc lào, thuốc lá. Gần chục năm trước, ông Lịch thường xuyên có triệu chứng khó thở, ho khan giống người bị bệnh hen.
Trung bình mỗi ngày khoa Hô hấp BV Bạch Mai tiếp nhận khoảng gần 30 ca mắc bệnh hô hấp mới vào điều trị, trong đó có khoảng 5-7 ca mắc COPD.
Bệnh COPD có thể dự phòng và điều trị được
PGS.TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hô hấp BV Bạch Mai cho biết, COPD là một bệnh có thể dự phòng và điều trị được với một số hậu quả đáng kể ngoài phổi có thể góp phần vào tình trạng nặng của bệnh nhân. Biểu hiện ở phổi của bệnh nhân được đặc trưng bởi sự hạn chế thông khí không có khả năng hồi phục hoàn toàn.
Sự hạn chế thông khí thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khí độc hại. Diễn tiến tự nhiên của COPD tùy thuộc từng người, nhưng nhìn chung là tiến triển nặng dần, nhất là khi tiếp với các yếu tố nguy cơ, gồm: khói thuốc lá (bao gồm cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động); bụi và hóa chất nghề nghiệp; ô nhiễm không khí; khói diesel, bụi bông...
Bệnh nhân mắc COPD nặng thường kèm theo các bệnh lý như suy kiệt, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim... phải điều trị liên tục, tốn kém và tỷ lệ tử vong cao. Việc điều trị cho bệnh nhân COPD phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh nhân. Với những bệnh nhân bị COPD ở giai đoạn nhẹ, điều cần thiết là phải hướng dẫn bệnh nhân tránh các yếu tố nguy cơ kể trên kết hợp dùng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn khi cần.
Bệnh nhân COPD tiến triển ở giai đoạn trung bình sẽ phải sử dụng thường xuyên thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, phục hồi chức năng hô hấp. ở giai đoạn nặng và rất nặng, bệnh nhân COPD sẽ phải hít corticoid nếu có các đợt cấp tái phát trên 3 lần/3 năm; điều trị oxy dài hạn tại nhà nếu có suy hô hấp mạn; xem xét điều trị phẫu thuật giảm thể tích.
TS.Bác sĩ Nguyễn Viết Nhung - Phó Giám đốc BV Lao và bệnh phổi Trung ương cho biết thêm, để điều trị hiệu quả căn bệnh này cần: chẩn đoán sớm và khởi đầu điều trị COPD giai đoạn nhẹ; chăm sóc và điều trị đạt chuẩn cả về dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc; dự phòng và điều trị có hiệu quả đợt cấp COPD. Cũng theo TS Nhung, điều trị COPD cũng cần áp dụng cho bệnh nhân một chương trình tập luyện nhiều thành phần tác động đến phổi, cơ bắp, chuyển hóa, tinh thần.
Tiến Hưng