Giá dầu giảm: Nhập để tích trữ cũng rủi ro

ANTĐ - Trong vòng 5 tháng trở lại đây, giá dầu trên thế giới liên tục giảm mạnh. Là nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu mặt hàng này, Việt Nam tất yếu bị ảnh hưởng.

Thu ngân sách giảm

Bên cạnh những tác động tích cực tới nền kinh tế khi giá dầu giảm, Việt Nam cũng có tổn thất. Dễ nhận thấy nhất là nguồn thu ngân sách bị sụt giảm do dầu thô xuất khẩu xuống giá. GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay: “Thu ngân sách Nhà nước giảm mạnh do Việt Nam xuất khẩu khoảng 40% lượng dầu thô khai thác”. 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách Nhà nước sẽ thâm hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn Bộ KH-ĐT cũng ước tính, năm 2015, giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng năm 2014 xuống còn bình quân 70 USD/thùng thì ngân sách thâm hụt khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng thì ngân sách năm 2015 thu từ dầu thô sẽ đạt khoảng 93.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu xuống mức 60 USD/thùng, thu ngân sách còn giảm nữa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm đáng mừng là tỷ lệ thu ngân sách từ dầu thô của Việt Nam đã giảm dần trong những năm gần đây. Trước đây, đóng góp của dầu thô vào ngân sách chiếm khoảng 20-25%, nhưng hiện nay chỉ khoảng 11% nên mức độ ảnh hưởng không còn nặng nề. Để bù đắp khoản giảm thu này, thuế nhập khẩu xăng dầu đã được tăng liên tục. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng đang ở mức 35%. Đối với một số loại dầu, thuế nhập khẩu hiện đã tăng lên 30-35%. 

Nhìn ở khía cạnh lạc quan, giá dầu giảm đã mang lại rất nhiều thuận lợi cho Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 1 tỷ USD dầu thô. Khoảng 12 triệu tấn xăng dầu các loại cũng được nhập về phục vụ nhu cầu trong nước. Các chuyên gia đánh giá, giá xăng dầu giảm liên tiếp 13 lần đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, kích thích phát triển kinh tế. 

Không dễ tích trữ 

Giá xăng dầu liên tục “lao dốc” thời gian qua khiến một số chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Việt Nam nên nhập khẩu xăng dầu để tích trữ”. Tranh thủ lúc giá thấp, nhập vào sẽ có lợi. Theo một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chính trị thế giới, tích trữ dầu thô lúc này là hợp lý do giá dầu đang ở “đáy” và xu hướng này có khả năng còn kéo dài. “Mua dầu thô dự trữ lúc này là hợp lý. Giá thời điểm này đang ở vùng đáy, sẽ ít xảy ra rủi ro”- vị chuyên gia này nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại cho rằng: “Tính khả thi của việc nhập xăng dầu về dự trữ rất thấp”. Theo ông Nguyễn Minh Phong, Trung Quốc, Nhật Bản… từng nhập khẩu dầu thô dự trữ nhưng những nước này phải nhập gần như 100% nên khi giá xuống, họ nhập sẽ có lợi. Trong khi đó, Việt Nam đã tự túc được khoảng 30% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Thêm vào đó, “Muốn nhập xăng dầu để tích trữ thì ai sẽ nhập? Trữ ở đâu? Tiền ở đâu để nhập khi ngân sách đang giảm?”- ông Nguyễn Minh Phong đặt câu hỏi. Đây rõ ràng là những vấn đề cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định nhập dầu để dự trữ. Trong diễn biến giá xăng dầu giảm liên tiếp gần đây, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã kêu lỗ và kiến nghị rút ngắn lượng dự trữ xuống còn 15 ngày để giảm lỗ, thì việc nhập để tích trữ xem ra rất khó khăn. Mặt khác, nếu giá xăng dầu xuống thấp nữa, đơn vị nhập khẩu sẽ bị thua lỗ. Khi đó, ai sẽ là người gánh trách nhiệm cho khoản lỗ này? 

Nhận định về diễn biến giá dầu thời gian tới, một chuyên gia kinh tế cho rằng, rất khó dự báo. Tuy nhiên, nhiều khả năng, giá dầu chỉ đứng ở mức thấp trong 1-2 tháng tới và sẽ sớm tăng trở lại.